Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
|
Xây dựng hình ảnh sản phẩm địa phương. |
Là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, khai thác và phát huy những lợi thế thuận lợi về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tỉnh Gia Lai đang dần khẳng định vị thế là một trong những trung tâm sản xuất trái cây tiềm năng của khu vực Tây Nguyên cũng như của cả nước. Có thể thấy, nông sản Gia Lai không chỉ phát triển mạnh mẽ về quy mô diện tích mà còn hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương. Tuy nhiên, những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp Gia Lai hiện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, dư địa cho sự phát triển ngành này còn nhiều, giá trị của nông sản Gia Lai phục vụ cho xuất khẩu còn có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới nếu địa phương làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu nông sản tỉnh nhà đến các thị trường mới. Một trong những giải pháp cần thiết hiện nay là cần thúc đẩy công tác truyền thông cho nông sản xuất khẩu của Gia Lai.
TS. Nguyễn Thúy Hà, Trưởng Ban Quản lý Khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, thứ nhất, cần tiếp tục xác định các định hướng lớn, trọng tâm trong phát triển nông sản xuất khẩu của địa phương làm cơ sở để thúc đẩy các nội dung, thông điệp truyền thông phục vụ xuất khẩu nông sản của tỉnh
Hoạt động truyền thông trong xuất khẩu là rất cần thiết nhưng muốn truyền thông có hiệu quả cần xác định trọng tâm nội dung, thông điệp truyền thông, đảm bảo sự tin cậy cho các nội dung truyền thông. Những tiềm năng trong phát triển nông sản xuất khẩu của Gia Lai là rất hiển nhiên nhưng vấn đề biết biến tiềm năng thành lợi thế, thế mạnh của tỉnh. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị bởi cần quyết tâm chính trị và những chỉ dẫn về cơ chế, chính sách định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc xác định và nhận diện những nông sản thuộc về tự nhiên và có lợi thế cạnh tranh cao như nấm linh chi, mật ong rừng, Gia Lai cần tập trung xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng mã vùng trồng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh để thể hiện sự chuyên nghiệp của một vùng chuyên canh. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của công nghiệp chế biến sâu là rất quan trọng. Chỉ có những doanh nghiệp đủ năng lực tài chính và quản trị mới có thể đưa các dây chuyền chế biến hiện đại vào sản xuất, từ đó, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Đây cần phải được xác định là một hướng đi ưu tiên để phát triển nông sản xuất khẩu của Gia Lai và hoạt động truyền thông cần hướng vào khai thác những nội dung này, tăng độ hấp dẫn, mời gọi, sức hút cho nông sản địa phương. Bên cạnh đó, để không bị phụ thuộc vào một thị trường tỉnh cần chủ động tiến hành các khảo sát, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản địa phương sang các thị trường EU tiềm năng, đưa nông sản Gia Lai tới một số thị trường khác ngoài Trung Quốc như Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Belarus, Nga, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Trung Đông và châu Phi thông qua các hiệp định thương mại tự do AFTA, cũng góp phần quảng bá cho nông sản Gia Lai ra các nước.
Thứ hai, cần khai thác và ứng dụng tối đa thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động truyền thông để nâng cao hiệu quả truyền thông cho nông sản xuất khẩu của tỉnh. Trước hết, Gia Lai cần sớm nghiên cứu và triển khai việc ưu tiên sử dụng các kênh Digital Marketing phân tích thị trường để có những lựa chọn đúng đắn trong chiến lược xuất khẩu nông sản, cũng là một cách để lan tỏa, quảng bá nông sản Gia Lai ra thế giới. Thông qua việc sử dụng các kênh này, giúp đưa ra những kết quả phân tích khoa học, khách quan làm căn cứ, cơ sở cho hoạch định các chương trình, chính sách của địa phương một cách hiệu quả.
|
Những hội thảo, tọa đàm như vậy cũng sẽ góp phần đẩy mạnh truyền thông cho sự phát triển nông nghiệp của Gia Lai. |
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Gia Lai cũng cần tăng cường tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế như Albaba, Amazon, Etsy bởi lẽ đây là các sàn thương mại điện tử phổ biến hiện nay mà bất kì quốc gia, chủ thể nào muốn giới thiệu và quảng cáo sản phẩm của mình đều phải tham gia một hoặc tất cả các sàn thương mại điện tử này. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, ngành nông nghiệp Gia Lai cần tích cực và chủ động tăng cường khai thác và phát huy ảnh hưởng của mạng xã hội vào truyền thông nông sản Gia Lai ra thế giới. Một trong những hình thức truyền thông trên mạng xã hội rất hiệu quả hiện nay là thông qua các phiên livestreams để bán hàng.
Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức truyền thông thông qua các hoạt động cộng đồng mang màu sắc truyền thống kết hợp với quảng bá du lịch, dịch vụ của địa phương.
Gia Lai là một tỉnh có nhiều lợi thế về tự nhiên, xã hội để khai thác và phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Do đó, việc lồng ghép truyền thông về nông sản xuất khẩu của Gia Lai thông qua hoạt động truyền thông quảng bá du lịch địa phương là một nhiệm vụ cũng là giải pháp quan trọng và hiệu quả đối với Gia Lai trong điều kiện hiện nay. Cần nhân rộng và chuyên nghiệp hóa các mô hình, tổ chức các hội thi giới thiệu sản phẩm địa phương qua đó tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Trong những năm qua, một số địa phương cấp huyện ở Gia Lai đã tổ chức thành công các hội thi điển hình như Hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”. Hội thi này vừa là dịp để quảng bá nông sản các địa phương, vừa là cơ hội để khơi dậy khát vọng vươn lên và khích lệ sự sáng tạo, hợp tác và liên kết trong sản xuất của nông dân, tạo ra những sản phẩm nông sản an toàn, có chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường./..