|
Nhà máy chế biến chanh dây của Công ty TNHH Quicornac. (Ảnh: H.D) |
Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn thứ hai của cả nước. Toàn tỉnh có gần 500.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích cây cà phê 98.700 ha, gần 88.000 ha cao su, hơn 14.000 ha tiêu, hơn 29.000 ha cây ăn quả, 23.300 ha điều, hơn 79.300 ha mì, 34.000 ha mía, 690 ha chè... Hầu hết cây trồng chủ yếu hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong và ngoài nước.
Mặc dù Gia Lai đã có nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị hàng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, số lượng nhà máy chế biến nông sản còn ít, công suất nhỏ, hiệu quả thấp. Số lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt hội nhập kinh tế quốc tế chưa đáng kể. Bên cạnh đó phần lớn nông dân vẫn chưa nhận thức đúng về thực hiệu quy trình sản xuất khép kín từ cây trồng đến chăm sóc đến thu hoạch, chế biến. Bình quân các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh qua chế biến chiếm khoảng 66,72%. Tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, như cà phê mới đạt 23%, hạt tiêu 23,2%, tinh bột mì hơn 5,4% ....
Đến nay toàn tỉnh có khoảng 239.246 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Có 70 doanh nghiệp tham gia chuỗi, 95 hợp tác xã và trên 23.806 hộ nông dân. Tuy nhiên, tính liên kết vẫn còn lỏng lẻo, chưa đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân nên hiệu ứng chưa cao. Lĩnh vực trồng trọt có 50 dự án với quy mô gần 8.505 ha với mức đầu tư gần 10.402 tỷ đồng.
Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng các tốt các tiêu chuẩn đảm bảo xuất khẩu thì việc đầu tiên phải ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa theo qui định của các FTA. Tạo điều kiện tối đa về tài nguyên, chính sách hỗ trợ và tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ từ giao thông viễn thông, điện, nước… để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đại bàng vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ cần có một vài nhà đầu tư đại bàng là có thể xoay chuyển cục diện hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
|
Vườn ươm cây giống của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ. |
Ông Trần Văn Trong, ủy viên Trung ương hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Gia Lai cho biết, hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh Gia Lai đã đạt được những bước tiến về định hướng, định vị, định hình về sản xuất và thị trường, còn định đoạt hiệu quả xuất khẩu thuộc về nhà đầu tư và doanh nghiệp. “Vì vậy, trong giai đoạn tới, hấp dẫn, thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư đại bàng sẽ là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển. Muốn thu hút được nhà đầu tư thì phải chuẩn bị tốt những yếu tố đầu vào và triển khai những giải pháp đồng bộ, nhất là xây dựng hạ tầng và chính sách hỗ trợ”, đồng chí Trần Văn Trong chia sẻ.
Ông Trần Văn Trong cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa theo qui định của các FTA.
Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức các hoạt động liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ để tăng nguồn lực. Đa dạng hóa các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị bao gồm: Liên kết dọc từ doanh nghiệp đầu tàu đứng đầu chuỗi để dẫn dắt đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ trợ, đến các hợp tác xã và nông dân; liên kết ngang gồm nông dân với nông dân chú ý thu hút các thương lái tham gia; liên kết chéo từ nhóm doanh nghiệp với hợp tác xã, doanh nghiệp với nông dân nhằm đa dạng hình thức liên kết và lợi ích. Từng bước thu hút các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước tham gia chuỗi liên kết.
Đồng thời, phát triển xuất khẩu phải gắn liền với phát triển dịch vụ logictics để tối giảm chi phí, thời gian và tiếp cận thị trường có lợi nhất. Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Pleiku-Quy Nhơn. Tiếp tục kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hình thành các trung tâm logictics – đây chính là thành tố hết sức quan trọng để thiết lập mạng lưới dịch vụ trong các công đoạn từ chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ xuất khẩu; liên kết mạng lưới trong khu vực và tàu biển quốc tế sắp xếp sẩn phẩm cà phê và các sản phẩm khác của Gia Lai xuất khẩu tại cảng biển gần nhất, chỉ định tại Cảng Quy Nhơn để tối đa hóa lợi nhuận. Tiếp tục quan tâm lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quảng bá thương hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo hộ sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Ứng dụng triệt để công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp, trong quản lý sản xuất đạt tiêu chuẩn, chất lượng; trong marketing, trong xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, dự báo thị trường. Thực hiện bán hàng trên các sàn thương mại điện tử quôc tế./..