Rõ trọng tâm, tránh dàn trải
Công tác chuyển đổi số được huyện Bảo Lạc quan tâm chỉ đạo rất sát sao, qua đó đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, công khai, minh bạch trong cung cấp các dịch vụ công đến người dân, thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân trên môi trường số. Đặc biệt, việc thực hiện mô hình thôn chuyển đổi số thông minh tại xã Bảo Thắng (huyện Bảo Lộc) đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo sự thuận lợi rất lớn cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
|
Công an huyện Bảo Lạc phối hợp với xã Huy Giáp tổ chức lễ ra mắt mô hình cải cách hành chính Bộ phận một cửa. |
Với sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chuyển đổi số (CĐS) từ huyện đến cơ sở, 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo CĐS huyện Bảo Lạc đã ban hành 39 văn bản chỉ đạo triển khai, đảm bảo 100% cán bộ công chức, viên chức huyện, xã, thị trấn có tài khoản, các đơn vị và cá nhân lãnh đạo có chữ ký số để sử dụng hệ thống quản lý văn bản VNPT-iOffice; yêu cầu các đơn vị trực thuộc và UBND xã, thị trấn thực hiện đảm bảo quy trình, 100% văn bản được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng, thực hiện ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice (trừ văn bản mật theo quy định). Hiện nay, tổng số lượng chữ ký số chuyên dùng của chính phủ của UBND huyện Bảo Lạc là 222 chữ ký số USB Token, 7 sim ký số PKI. Số lượng chữ ký số chuyên dùng của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn đạt tỷ lệ 100%.
Hiện nay, tại huyện có tổng cộng 339 thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó 231 TTHC cấp huyện, 108 TTHC cấp xã với 200 TTHC trực tuyến toàn trình. Kết quả đã tiếp nhận và giải quyết 4371 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết 4204/4371 hồ sơ, đạt 96,1%; số hồ sơ quá hạn 0 hồ sơ; số hồ sơ đang giải quyết trong hạn 167 hồ sơ. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình 4173/4371 hồ sơ, chiếm 95,4%. Chỉ đạo triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công scan đầy đủ thành phần hồ sơ và đính kèm bản PDF hoặc ký số văn bản trực tiếp của lãnh đạo trên quy trình trả kết quả. Tỷ lệ số hóa kết quả hồ sơ tính đến ngày 13/6/2024 tại huyện, các xã, thị trấn đạt 95,5%. Kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến quy định TTHC. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện không nhận được đơn thư, kiến nghị, phản ánh nào của người dân, tổ chức liên quan đến quy định TTHC.
UBND huyện đã bám sát Kế hoạch, hướng dẫn của UBND tỉnh, các sở, ngành về tiếp cận, tham gia chương trình CĐS doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tỷ lệ cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại; thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; ứng dụng đồng bộ các nền tảng công nghệ số phục vụ công tác quản lý, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên thông tin tuyên truyền tới các doanh nghiệp, hộ kinh doanh về các chủ trương, chính sách của cấp trên về CĐS: tuyên truyền, vận động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia khảo sát CĐS; tuyên truyền sử dụng nền tảng số quốc gia về sàn thương mại điện tử và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở kinh doanh và người dân sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia sàn giao dịch điện tử Postmart,...
Nâng cao chất lượng, hoàn thành chỉ tiêu
Công tác tuyên truyền phổ biến về các dịch vụ phát triển kinh tế số được triển khai thường xuyên, tuy nhiên, một số người dân vẫn chưa chủ động nghiên cứu áp dụng sử dụng, còn thói quen sử dụng truyền thống như: Thanh toán bằng tiền mặt, ít mua hàng qua các sàn giao dịch điện tử... Việc thực hiện CĐS trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch đang được thúc đẩy mạnh mẽ; tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ thông minh ngày càng tăng nhưng chủ yếu là tập trung tại khu vực đông dân cư, tập trung những tiện ích. UBND huyện đã quan tâm tạo kênh tương tác 2 chiều với người dân thông qua các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, phố biến đến người dân được nhanh chóng, kịp thời. Triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử huyện về công tác triển khai CĐS. Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân để ứng dụng vào hoạt động sản xuất, giao dịch trực tuyến.
|
Huyện Bảo Lạc luôn xác định phát triển chính quyền điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu nhằm hiện đại hóa nền hành chính |
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu của nhân dân. Trong thời gian tới, huyện Bảo Lạc tập trung phát triển 3 mục tiêu đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Để làm được điều đó, huyện Bảo Lạc cẩn bám sát chủ trương, định hướng, chỉ đạo của UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn cấp trên (Kế hoạch 328/KH UBND, Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng năm 2024, Đề án chuyển đổi số tỉnh và các văn bản liên quan khác...), tiếp tục ban hành các văn bản để cụ thể hóa triển khai thực hiện đảm bảo các nội dung được giao. Trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên, phối hợp duy trì triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo triển khai thực hiện cung cấp các dữ liệu trên địa bàn huyện.
Duy trì các nền tảng số phục vụ hoạt động chính quyền số tại huyện; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số thông qua việc người dân được trang bị đầy đủ kỹ năng số, tham gia vào quá trình phát triển dữ liệu số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tổ chức các hoạt động, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực; đưa chuyển đổi số vào cuộc sống bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, tạo nên cộng đồng số.
Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết,...bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu của UBND tỉnh giao.
Đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện đặc biệt là đối với các lĩnh vực thiết yếu (y tế, giáo dục...) và các hoạt động giao thương, thương mại trong hoạt động thường ngày của người dân. Thực hiện đảm bảo công tác an toàn thông tin mạng trong công tác chuyển đổi số tại huyện.
Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, tin tưởng rằng huyện Bảo Lạc sẽ thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch trong năm 2024. Công tác chuyển đổi số không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện, đổi mới và phát triển, mà còn góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc quyết tâm ra sức thi đua xây dựng huyện Bảo Lạc trở thành huyện dẫn đầu về chuyển đổi số của tỉnh Cao Bằng./.