Điện Biên: Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thứ hai, 05/08/2024 15:41
(ĐCSVN)- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị tỉnh Điện Biên nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp của 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang ở mức thấp hơn so với bình quân chung của cả nước.

Ngày 5/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với tỉnh Điện Biên về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và công tác khắc phục hậu quả thiên tai từ đầu năm đến nay.

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Điện Biên đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, tỉnh đã tổ chức trọng thể, chu đáo, an toàn và hiệu quả Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành và các sự kiện, hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Điện Biên.

Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 8,75% so với mức 7,06% cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 3/14 tỉnh Vùng Trung du và miền núi phía bắc, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Du lịch tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh với lượng khách du lịch tăng gấp 2,18 lần so với cùng kỳ năm 2023; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 2,26 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 12,5% so với kế hoạch năm.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30/6, tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đạt 25,41% và dự kiến đạt gần 100% vào cuối năm 2024. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉ lệ giải ngân bình quân đạt 25,6% kế hoạch.

Về tình hình mưa lũ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của 26 đợt thiên tai, làm 9 người chết, 4 người mất tích và 12 người bị thương. Mưa lũ làm 1.365 ngôi nhà bị thiệt hại; 728 ha lúa bị vùi lấp, cuốn trôi; gần 26 ha thuỷ sản bị thiệt hại hoàn toàn… Tổng thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến nay tại Điện Biên ước khoảng hơn 256 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trong đợt lũ quét từ 23/7-2/8 khoảng 211 tỷ đồng.

Tỉnh Điện Biên kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm chỉ tiêu, mục tiêu đưa 45 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn xuống còn 32 xã vào năm 2025 do tỉ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số rất cao, chiếm tới 99%.

Điện Biên cũng kiến nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ đối với các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ xã khu vực II, khu vực III về khu vực I tiếp tục được hưởng chế độ chính sách khu vực II, III ít nhất 1 năm sau khi có quyết định công nhận để bảo đảm công tác an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng dân tộc thiểu số.

Đối với việc khắc phục hậu quả mưa lũ, tỉnh Điện Biên kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP theo hướng bổ sung chính sách hỗ trợ diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Đồng thời, xem xét, bố trí ngân sách dự phòng Trung ương hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có việc hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư tại các điểm Bản Lĩnh, Huổi Ké, Tin Tốc, Mường Pồn 1 tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên; hỗ trợ khắc phục 13 công trình cơ sở hạ tầng.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Điện Biên nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Nổi bật là tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cải cách hành chính có nhiều tiến bộ vượt bậc, thu hút khách du lịch vượt mục tiêu đề ra; phát triển diện tích một số nhóm cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân như mắc ca, cà phê.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Điện Biên nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp của 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang ở mức thấp hơn so với bình quân chung của cả nước; sớm rà soát lại quy hoạch của tỉnh trên nguyên tắc không để thiếu đất cho phát triển hạ tầng giao thông; đẩy nhanh phát triển các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng tái tạo, xây dựng đô thị, du lịch và nông nghiệp.

Về công tác phòng, chống thiên tai, Phó Thủ tướng đánh giá cao các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên trong việc chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp tỉnh Điện Biên 10 tỷ đồng để tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, thực hiện ngay trong tuần này; nhấn mạnh nguồn lực này phải được phân bổ công bằng, công khai, minh bạch.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Điện Biên tiếp tục huy động các nguồn lực, chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ xây dựng lại nhà, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống phù hợp với phong tục, tập quán của bà con; kiểm soát tốt phương tiện và người ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Đồng thời, theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, có kịch bản mẫu để chủ động triển khai phương án ứng phó với hiện tượng thời tiết có thể cực đoan hơn, trước mắt là hai đợt mưa lớn dự báo sẽ diễn ra vào giữa tháng 8/2024; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để các cấp chính quyền và người dân nâng cao hiệu quả phối hợp trong ứng phó với thiên tai.

Trước đó, chiều 4/8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã thị sát tại vị trí sạt lở ở bản Mường Pồn 1 và khu vực bị lũ quét tại bản Lĩnh và bản Tin Tốc; thăm hỏi, động viên, tặng quà lực lượng "bốn tại chỗ" đang làm công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; thăm hỏi, động viên, trao quà cho các gia đình có người thân bị chết, mất tích thuộc xã Mường Pồn, huyện Điện Biên./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực