Định vị Thái Nguyên trên bản đồ du lịch Việt Nam: Tiềm năng và thách thức!

Thứ bảy, 27/07/2024 10:13
(ĐCSVN) - Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi, nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là cầu nối giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với các tỉnh phía Bắc, có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển ngành du lịch với nhiều loại hình như: Du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà và văn hóa các dân tộc.

Những nguồn lực sẵn có…

Vùng đất được mệnh danh "Đệ nhất danh Trà" có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú, hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử có giá trị để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. 

Những năm gần đây, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, phát triển được những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng trên cơ sở phát huy về lợi thế, tiềm năng, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.

Theo đó, Thái Nguyên có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 230 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao. Thái Nguyên có thành phần dân tộc phong phú, đa dạng. Các dân tộc còn lưu giữ được nhiều những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có tổng số 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những "địa chỉ đỏ" thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, tiêu biểu như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái; Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, huyện Võ Nhai… 
       

Bà con đồng bào dân tộc biểu diễn hát Then tại khu sinh thái La Bằng, huyện Đại Từ.  

Qua đó, tỉnh Thái Nguyên cũng xác định bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao chất lượng cao thì cần tập trung xây dựng du lịch cộng đồng trải nghiệm sinh thái, nông nghiệp dựa trên khai thác lợi thế của địa phương nhằm giới thiệu những bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Trong đó phải kể đến một số điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá đẹp hoang sơ trên sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng.

Trước đó tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2022 - 2025. Tính đến tháng 8/2023 UBND tỉnh Thái Nguyên đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng là: Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên); Làng văn hóa dân tộc bản Quyên (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa); xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai); xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên); hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công) và xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đại Từ,  tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Thời gian qua địa phương cũng đã tiến hành triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng năm 2023; đăng ký thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng năm 2024 - 2025 trong đó địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển khu du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sắp tới để đa dạng hơn hình thức du lịch, địa phương tham mưu tổ chức chương trình Famtrip - Trekking; ra mắt sản phẩm du lịch Trekking trên địa bàn huyện Đại Từ”.

Trên cơ sở nguồn lực sẵn có cùng với những chính sách hỗ trợ của tỉnh sẽ là động lực để các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư, xây dựng những những mô hình du lịch cộng đồng hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của du khách, tạo ra những điểm đến mới trên bản đồ du lịch của tỉnh.

Định vị Thái Nguyên là điểm đến du lịch hấp dẫn

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 04 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, độc đáo cùng với các giá trị văn hoá đặc sắc hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một hành trình trải nghiệm trọn vẹn với đầy đủ sắc màu về vùng đất và con người Thái Nguyên.
       

Khu du lịch nghỉ dưỡng hang Phượng Hoàng- suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai) đã được đầu tư xây dựng, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách. 

Từ thực tế hoạt động của các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh như: Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, Điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, Khu du lịch Phượng Hoàng, chúng tôi nhận thấy rằng, việc tạo ra nhiều sản phẩm để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách là cần thiết lúc này, bởi nếu không điểm đến sẽ đơn điệu và không tạo được sức hút, đặc biệt là du khách quốc tế. Đó cũng là trăn trở của những cán bộ đang công tác trong lĩnh vực du lịch của tỉnh cũng như nhiều cơ sở làm du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên.

Chúng ta đều biết rằng xu hướng của rất nhiều khách du lịch hiện nay là muốn tìm về những điểm đến có sự hòa mình với thiên nhiên, trải nghiệm nét văn hóa của người dân bản địa và đó chính là sức hút của các điểm đến du lịch cộng đồng. Nhưng một câu hỏi đặt ra nếu như các điểm đến du lịch cộng đồng không có sự đổi mới, tìm ra những sản phẩm hay thì lượng khách dần sẽ bị mai một. Một điều đáng nói là các điểm đến du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên chưa thu hút được nhiều du khách quốc tế. 

Để ngành Du lịch phát triển bền vững, qua đó định vị Thái Nguyên là điểm đến hấp dẫn trung tâm vùng Việt Bắc, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tích cực đổi mới, tích cực đa dạng hóa các hình thức marketing, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, triển khai đa dạng linh hoạt các hình thức truyền thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu thực tế từng giai đoạn.

Ông Nguyễn Trọng Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Một trong 9 nhóm giải pháp quan trọng cho ngành Du lịch phát triển xứng tầm là xúc tiến quảng bá du lịch. Trong đó chú trọng công tác quảng bá sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường xúc tiến quảng bá ở nước ngoài bằng nhiều hình thức và thông qua các chương trình hợp tác đối ngoại của tỉnh.

Định vị Thái Nguyên trên bản đồ du lịch Việt Nam là khát vọng hướng đến của ngành Du lịch tỉnh. Để thành công đòi hỏi các cấp, các ngành, doanh nghiệp làm du lịch có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ, cùng xúc tiến quảng bá có trọng tâm, phù hợp với từng thời điểm, với thị trường du lịch để thu hút khách đến với Thái Nguyên”.

Chúng ta tin tưởng với sự tâm huyết của người làm du lịch tại địa phương cùng với sự đồng hành, lan tỏa của rất nhiều đơn vị lữ hành và truyền thông trong cả nước, Thái Nguyên sẽ có những bước đột phá trong lĩnh vực du lịch, đưa du lịch Thái Nguyên trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong GDP của tỉnh./.


Lê Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực