Tập trung chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền
Trong 3 năm triển khai, thực hiện công tác giảm nghèo, huyện Đồng Hỷ đã đạt được kết quả rất tích cực. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đã đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV và nghị quyết của HĐND huyện đề ra. Chương trình giảm nghèo đã được triển khai với quyết tâm cao và đạt được kết quả đáng kể, góp phần đưa tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện giảm từ 16,22% (năm 2022) xuống còn 9,95% (năm 2024) giảm 6,27% tương ứng với 1.552 hộ.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ Ngô Xuân Huy, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, được triển khai thực hiện trên địa bàn khá đồng bộ và hiệu quả. Hộ nghèo, cận nghèo được hưởng đầy đủ các chính sách giảm nghèo. Các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo như nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập... đã được giải quyết kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhân dân”.
|
Đồng chí Ngô Xuân Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ chủ trì hội nghị kiểm điểm tiến độ các dự án vốn đầu tư công và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. |
Cụ thể, huyện Đồng Hỷ đã áp dụng từ các nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nguồn xã hội hoá từ năm 2022 đến nay đã thực hiện hỗ trợ về nhà ở theo quy định cho 95 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 3.233 triệu đồng.
Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng 18/10 mô hình giảm nghèo, đạt 180% so với kế hoạch; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm…
Đặc biệt, 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức kỹ năng cơ bản về quản lý và tổ chức chương trình (từ năm 2022 đến tháng 6 năm 2024, UBND huyện phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã tổ chức được 13 lớp tập huấn cho các cán bộ làm công tác giảm nghèo tại huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện).
Huyện Đồng Hỷ xác định, thời gian tới tiếp tục tăng cường và nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Nguồn lực đầu tư được phát huy hiệu quả
Là một trong những hộ nghèo trên địa bàn xã Văn Lăng, hộ gia đình anh Hoàng Văn Sính, dân tộc H’Mông, xóm Khe Mong được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chè, tạo sinh kế thoát nghèo cho biết: Gia đình anh rất khó khăn, thu nhập phụ thuộc vào vài sào ruộng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, gia đình được hỗ trợ cho tham gia các lớp tập huấn trồng chè tại xã nên biết được nhiều kỹ thuật chăm sóc cây chè để đem lại năng suất cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
|
Người dân xóm Khe Mong thu hái chè. |
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Trường , Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Nghề làm chè ở xóm Khe Mong bắt đầu phát triển từ năm 1995. Từ một xã nghèo được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, toàn xã đã có trên 80 hộ trồng chè với 297 ha đang thu hoạch. Trung bình mỗi năm, xã sản xuất được khoảng 333 tấn chè búp tươi. Hiện có 03 làng nghề trồng chè được công nhận Vietgap (xóm Khe Mong, xóm Tân Lập và xóm Tân Thành). Việc làng nghề được công nhận sẽ nâng cao nhận thức người trồng chè của địa phương đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đồng thời giúp cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu tới khách hàng trong và ngoài tỉnh”.
Xác định tín dụng chính sách là kênh dẫn vốn quan trọng, tạo nguồn lực cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đầu tư phát triển sản xuất nên cấp ủy, chính quyền huyện thường xuyên củng cố Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội, tổ tín dụng và vay vốn ở các thôn, xóm, bố trí địa điểm ngay tại xã để giao dịch thuận lợi. Từ năm 2022 đến nay có tổng số hơn 3.700 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo vay hơn 270 tỷ đồng để phát triển kinh tế, sử dụng vốn vay hiệu quả.
Bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2025 của huyện là hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Để thực hiện việc hạn chế tái nghèo, huyện Đồng Hỷ tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào “Đồng Hỷ chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Hà chia sẻ thêm, với nguồn vốn được bố trí từ năm 2022 đến nay là hơn 17 tỷ đồng, huyện đã triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ việc làm bền vững; cải thiện dinh dưỡng; đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Trong thời gian tới, huyện Đồng Hỷ tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch phù hợp theo từng vùng. Tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội. Tăng cường đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp… giúp mở rộng sinh kế, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện, góp phần để Đồng Hỷ từng bước hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững./.