Đột phá trong chuyển đổi số ngành Tư pháp tỉnh Cao Bằng

Thứ sáu, 08/11/2024 14:59
(ĐCSVN) - Qua từng năm, có thể thấy rõ hơn sự thay đổi tích cực trong chuyển đổi số, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của ngành Tư pháp tỉnh Cao Bằng. Thông qua cách làm hay, sáng tạo của Sở Tư pháp tỉnh đã giúp người dân trên địa bàn giảm chi phí, thời gian đi lại; đồng thời nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Nhiều mô hình hay, cách làm mới trong chuyển đổi số

Những tháng cuối năm, chúng tôi có mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại UBND thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), tìm hiểu cách thức chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên môi trường điện tử.

Sáng sớm, chị Trần Thị Cẩm Nhung, phường Hợp Giang (thành phố Cao Bằng) tranh thủ đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính UBND phường chứng thực một số giấy tờ, như: Giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ Tin học, Anh văn… để bổ sung vào hồ sơ xin việc làm. Chị Cẩm Nhung chia sẻ: “Nơi tôi xin việc làm yêu cầu một số giấy tờ để bổ sung hồ sơ, tôi đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính UBND phường  chứng thực. Tại đây, tôi được cán bộ Tư pháp - Hộ tịch đề nghị tôi chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên môi trường điện tử, chứ không giống như trước đây, làm tôi khá bỡ ngỡ. Thế nhưng, được cán bộ hướng dẫn từng bước một nên cũng không gặp khó khăn gì cả”. 

Cán bộ Phòng Tư pháp thành phố Cao Bằng hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ thông tin khi đến làm thủ tục hành chính 

Ngay từ khi có văn bản triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, phòng Tư pháp thành phố Cao Bằng và UBND các phường đã thực hiện tuyên truyền trong nội bộ cơ quan, đơn vị và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân trên địa bàn thành phố; đồng thời thường xuyên thực hiện chứng thực bản sao trên môi trường điện tử. Trong 2 năm qua, phòng Tư pháp thành phố đã thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính hàng ngàn hồ sơ. UBND các phường cũng đã triển khai thực hiện và bảo đảm trang bị đầy đủ các thiết bị, như: hạ tầng mạng, chứng thư số, máy scan… để phục vụ công tác chứng thực bản sao điện tử.

Đồng chí Nông Thị Kiều Diễm - Trưởng Phòng Tư pháp thành phố Cao Bằng cho biết: “Việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử đã mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho cả phía người dân, doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước. Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng, hưởng lợi từ những tiện ích mà dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính đem lại, nhằm góp phần đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên toàn thành phố.

Không chỉ có thành phố Cao Bằng làm tốt công tác chuyển đổi số trong chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên môi trường điện tử, hiện tại huyện Bảo Lạc cũng triển khai rất tốt. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm có tổng cộng 339 thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 231 TTHC cấp huyện và 108 TTHC cấp xã với 200 TTHC trực tuyến toàn trình. Đã tiếp nhận và giải quyết 4.371 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ đã giải quyết 4.204, đạt 96,1%; số hồ sơ quá hạn 0 hồ sơ; số hồ sơ đang giải quyết trong hạn 167 hồ sơ. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 4.173/4.371 hồ sơ chiếm 95,4%.

Đồng chí Vương Thị Phương – Phó Trưởng Phòng phụ trách Tư pháp huyện Bảo Lạc cho biết: “Thời gian qua, việc triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính được Phòng Tư pháp huyện triển khai đầy đủ. Cán bộ tư pháp huyện chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công scan đầy đủ thành phần hồ sơ và đính kèm bản PDF hoặc ký số văn bản trực tiếp của lãnh đạo trên quy trình trả kết quả. Tỷ lệ số hóa kết quả hồ sơ tính đến ngày 13/6/2024 tại huyện, các xã, thị trấn đạt 95,5%".

Tầm quan trọng của chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ. Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước, văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi số của ngành và địa phương cho cán bộ, công chức tại đơn vị. Hiện nay, Sở Tư pháp đã sử dụng các hệ thống thông tin, như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp để thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp… Thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu giữa hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung và phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.

Đồng chí Bàn Thanh Hiền – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng cho biết: “Công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng rất được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Ngành Tư pháp phát huy hiệu quả vai trò “gác cửa” tại địa phương, thường xuyên tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp lý. Bên cạnh công tác chuyên môn, Sở còn được lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng khác”. 

Đồng chí Bàn Thanh Hiền – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì cuộc họp giao ban.

Thông qua số liệu 6 tháng đầu năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng đã triển khai thành công 03 cơ sở dữ liệu đó là Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp, Cơ sở dữ liệu Chứng thực và Cơ sở dữ liệu Hộ tịch. Cụ thể, về cấp phiếu Lý lịch tư pháp trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 795 hồ sơ. Trong đó số mới tiếp nhận trực tuyến là 727, đạt 91,44%.

Về Hộ tịch, kết quả đạt được trên địa bàn tỉnh phát sinh 4.168 trường hợp khai sinh (trong đó khai sinh mới là 3.182 trường hợp), khai tử 2.179 trường hợp (trong đó đăng ký mới 2.159 trường hợp), kết hôn 1.395 trường hợp (trong đó đăng ký mới 1.375 trường hợp).

Về Phần mềm Thống kê ngành Tư pháp, Sở đã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác báo cáo thống kê Ngành Tư pháp và chỉ đạo, phân công lãnh đạo và chuyên viên phụ trách theo dõi, kiểm soát số liệu thống kê theo từng lĩnh vực. Đồng thời chỉ đạo các phòng, trung tâm thuộc Sở và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cập nhật chính xác, đầy đủ, kịp thời dữ liệu của đơn vị mình trong các biểu báo cáo trên hệ thống phần mềm Thống kê ngành tư pháp theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Theo đó, từ ngày 01/01/2024 đến 31/05/2024, Sở Tư pháp đã hoàn thiện 13 biểu báo cáo Bộ Tư pháp đúng thời gian quy định.

Đặc biệt trong thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng đã triển khai các nhiệm vụ trong Chính quyền số rất tốt. Sở đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Theo đó, Sở tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến với tổng số 121 TTHC (trong đó 27 toàn trình, 94 một phần). Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền; thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục TTHC, quy trình nội bộ giải quyết TTHC theo hướng phù hợp.

Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan gắn với công tác cải cách hành chính; tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ xây dưng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Tư pháp; đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng chuyên ngành nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực quản lý, điều hành để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số của Sở Tư pháp; góp phần tích cực trong thực hiện mực tiêu xây dựng, phát triển Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng./.

Như Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực