Giáo dục Cao Bằng cần xác định nâng cao dân trí là mục tiêu cao nhất

Thứ sáu, 16/08/2024 14:14
(ĐCSVN)- Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2024-2025 ngành Giáo dục tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ và giải pháp.

Ngày 15/8, tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Trần Hồng Minh.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Trần Hồng Minh trò chuyện với cán bộ quản lý, giáo viên tỉnh Cao Bằng.

Nhiều kết quả tích cực so với năm học trước

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh Cao Bằng đã tham mưu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu năm 2024 của UBND tỉnh về thực hiện công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và phổ cập giáo dục, xoá mùa chữ; đồng thời chủ động tham mưu, giải quyết hiệu quả, cơ bản tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học.

Trong năm học, ngành Giáo dục đã triển khai xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2024-2030”. Thực hiện hiệu quả công tác lựa chọn sách giáo khoa và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Cao Bằng an toàn, đúng quy chế.

Cũng trong năm học 2023-2024, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp của tỉnh Cao Bằng tăng so với năm trước. Cụ thể nhà trẻ đạt 27,65%, tăng 1,05%; mẫu giáo đạt 99,66%, tăng 0,06%; mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,59%.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tỉnh Cao Bằng năm học 2023-2024 đạt 97,92%, tăng 1,9%; điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT là 6,03 điểm, tăng 0,27 điểm. Năm học 2023-2024, học sinh của tỉnh Cao Bằng đạt 33 giải trong kỳ thi quốc gia, tăng 19 giải so với năm trước đó.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, giáo dục tỉnh Cao Bằng dù đã có nhiều nỗ lực, nhận được sự quan tâm nhưng cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đội ngũ giáo viên của tỉnh còn thiếu so với định mức và biên chế, đặc biệt là giáo viên các môn học theo chương trình phổ thông 2018. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng, chưa đạt yêu cầu chuẩn hóa, hầu hết vẫn còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng thư viện, phòng thiết bị…; hiện toàn tỉnh còn 819 điểm trường lẻ.

Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2024-2025 ngành Giáo dục tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ và giải pháp.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Xác định mục tiêu giáo dục thực chất

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự quan tâm với giáo dục các địa phương còn nhiều khó khăn, trong đó có Cao Bằng. Bộ trưởng đồng thời ghi nhận về những điều “đáng mừng” của giáo dục Cao Bằng.

Trao đổi về những việc cần chuẩn bị cho thời gian tới, Bộ trưởng nêu đầu tiên là việc cần chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển  GD&ĐT tỉnh Cao Bằng cho giai đoạn tới phù hợp với đặc điểm, tình hình, mục tiêu, quyết tâm của địa phương.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trong định hướng sắp tới, cần xác định mục tiêu giáo dục tỉnh phù hợp nhất, mang tính thực tế nhất. Mỗi tỉnh có bối cảnh khác nhau, cần đặt mục tiêu giáo dục khác nhau, không phải tỉnh khác làm thế nào mình cũng làm như vậy, đồng thời gợi mở, với Cao Bằng, lấy mục tiêu nâng cao dân trí là mục tiêu thực tế nhất, thực chất nhất và phải tự hào về thành tích đó.

Chia sẻ quan điểm, “đối với các tỉnh càng nghèo càng cần đầu tư đặc biệt cho giáo dục, càng phải lấy điều kiện giáo dục, nhân lực để thoát ra khỏi khó khăn”, Bộ trưởng cũng nhắc tới những “thuận lợi” của giáo dục Cao Bằng mà không phải địa phương nào dù điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn cũng có được; đó là môi trường thuận lợi cho giáo dục nhân cách cho học sinh, là đội ngũ giáo viên có tỷ lệ đạt chuẩn cao, số lượng giáo viên là người dân tộc thiểu số lớn… 

Với một địa bàn rộng lớn và địa hình chia cắt như Cao Bằng, bên cạnh đề nghị tỉnh quan tâm huy động các nguồn đầu tư để thực hiện kiên cố hoá trường lớp, xoá điểm trường lẻ phù hợp, Bộ trưởng cũng lưu ý với Cao Bằng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục; lấy dạy học trực tuyến làm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên và đảm bảo học sinh được học với chất lượng giảng dạy tốt từ những giáo viên có chuyên môn.

Về một số việc cụ thể trong năm học mới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục rà soát mạng lưới, phân bổ hệ thống các cơ sở giáo dục để có giải pháp với hơn 800 điểm trưởng lẻ, trên tinh thần không dồn ghép cơ học nhưng những chỗ nào thực hiện dồn dịch mà tốt hơn cho thầy và trò thì nên làm.

Tỉnh Cao Bằng cũng nên có kế hoạch củng cố, phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú. Bởi đây chính là giải pháp cho các địa phương có địa bàn rộng, phân tán, tỷ lệ đồng bào dân tộc nhiều như Cao Bằng.

Hỗ trợ tối đa giáo viên để giáo viên vượt qua được giới hạn, không để giáo viên đơn độc trong hành trình đổi mới… được Bộ trưởng nhấn mạnh là giải pháp quan trọng nhất để đổi mới giáo dục phổ thông thành công; đồng thời cũng là yêu cầu được Bộ trưởng đặt ra với giáo dục Cao Bằng.

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng chúc giáo dục Cao Bằng tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đạt được kết quả tốt hơn. Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng khẳng định, chắc chắn sẽ có sự quan tâm trong chính sách, trong các ưu tiên cho các địa phương khó khăn như Cao Bằng.

 Quang cảnh Hội nghị

Tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Hồng Minh đề nghị ngành GD&ĐT của tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đặc biệt là các nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết, Chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và chất lượng dạy học.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành, các tổ chức, đoàn thể tiếp tục quan tâm, đồng thuận, cùng ngành Giáo dục của tỉnh làm tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng và phát triển toàn diện thế hệ trẻ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Cao Bằng phát triển bền vững. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nâng cao vai trò của người đứng đầu, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác đổi mới và phát triển giáo dục; bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất; đảm bảo mức chi ngân sách tối thiếu cho đầu tư phát triển giáo dục đào tạo.

Đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, ưu tiên hỗ trợ cho ngành Giáo dục của tỉnh trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp năm học 2024 - 2025 và những năm học tiếp theo; Ưu tiên hỗ trợ Cao Bằng tham gia các dự án, đề án phát triển các lĩnh vực giáo dục theo từng cấp học, bậc học; Tiếp tục kiến nghị, đề xuất với Chính phủ quan tâm xây dựng thêm cơ chế, chính sách ưu tiên, đãi ngộ với học sinh, nhà giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Trần Hồng Minh chúc mừng 5 "Nhà giáo Ưu tú" của tỉnh Cao Bằng

Nhân dịp này, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cho 5 nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng./.

Mai Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực