Nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả
Những năm qua, huyện Phú Bình luôn quan tâm đến việc hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ cây, con giống; tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng các mô hình kinh tế đáp ứng thị hiếu thị trường để tăng thu nhập… Hầu hết những hộ nghèo, cận nghèo sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình kinh tế (chủ yếu là chăn nuôi, trồng cây, mua bán nhỏ…) đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo đó, mô hình nuôi bò sinh sản trên địa bàn huyện được quan tâm triển khai. Mỗi hộ được nhận 01 con bò cái (lai Sind), có độ tuổi từ 12 - 15 tháng với trọng lượng từ 185 -220 kg/con. Bò giống do Công ty CP Giống gia súc Hà Nội cung cấp, đã được tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng và viêm da nổi cục. Bên cạnh đó, các hộ được hỗ trợ một phần thức ăn, thuốc thú y; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết chăn nuôi bò ít nhất trong 02 năm.
|
Gia đình anh Dương Văn Quân, xã Tân Khánh (Phú Bình) đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản. |
Ngoài tiêu chí là hộ nghèo, cận nghèo, các hộ nhận bò phải đảm bảo các điều kiện có chuồng trại, có lao động và kinh nghiệm chăn nuôi. Tại buổi bàn giao bò, các hộ được cấp phát sổ theo dõi bò và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò.
Theo chân cán bộ huyện Phú Bình tới nhà một số hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án trên, chúng tôi thấy được niềm vui, sự phấn khởi của người dân khi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Chị Hoàng Thị Thắm, xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành chia sẻ: “Ban đầu do lấy chồng sớm lại sinh đông con và không có thu nhập, không có vốn nên để đầu tư phát triển kinh tế gần như là không thể, cuộc sống khó khăn. Khi tham gia dự án được Nhà nước hỗ trợ bò giống để nuôi, lại được địa phương đưa tận nơi để nhận bò và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi rất vui mừng nên cố gắng chăm sóc thật tốt để con bò phát triển, có vốn liếng phát triển kinh tế. Sau vài tháng nuôi đến nay con bò của gia đình tôi rất khỏe mạnh và ăn tốt”.
Cũng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Phú Bình cũng triển khai và phát triển mô hình giảm nghèo chăn nuôi gà an toàn sinh học. Với tổng số gà giống hỗ trợ là 19.000 con, với 88 hộ tham gia (34 hộ nghèo, 54 hộ cận nghèo). Mỗi hộ được hỗ trợ nuôi từ 100 – 350 gà giống, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của từng hộ. Địa điểm thực hiện tại xã Tân Thành, Tân Đức, Dương Thành, Lương Phú huyện Phú Bình.
Chia sẻ với phóng viên, anh Liểu Văn Hoàn, xã tân Thành (huyện Phú Bình) không giấu nổi niềm vui, phấn khởi và bày tỏ sự biết ơn của gia đình sau khi được nhận 350 con gà từ 1 ngày tuổi, đến nay được 4 tháng. Nhờ được hướng dân kỹ thuật chăm sóc và phòng chống dịch bệnh, đàn gà của nhà anh đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mau lớn, mỗi con đạt từ 2,8-3kg/con và sắp đến ngày xuất chuồng.
Đem lại kinh tế, giảm nghèo bền vững
Đánh giá về kết quả thực hiện mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của huyện Phú Bình, ông Tạ Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Thông qua mô hình giảm nghèo, nhiều hộ dân đã có điều kiện tiếp cận trực tiếp với nguồn lực hỗ trợ, tạo sự tham gia của người dân, huy động thêm được nguồn lực tại chỗ.
Các mô hình đã thực hiện đều có khả năng nhân rộng. Hằng năm có từ 20 - 30% số hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo.
|
Nhờ sản xuất an toàn sinh học, chất lượng gà đồi Phú Bình được đánh giá rất cao. |
Để hoàn thành mục tiêu giảm 0,78% tỷ lệ hộ nghèo trở lên trong năm 2024, ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch huyện Phú Bình cho biết: “Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với nhiều nguồn vốn phát triển sản xuất. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tác động theo nhóm đối tượng và nguyên nhân nghèo để phát huy tối đa, hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ. Cùng với đó, giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, tăng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo”.
Thành công của các mô hình giảm nghèo ở huyện Phú Bình đã tạo ra sự lan tỏa tích cực, khích lệ người dân và nâng cao dần sự chuyển biến trong nhận thức về phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá.
Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong huyện thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều hộ nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, huyện Phú Bìnhh tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh./.