Cao Bằng: Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là trọng tâm trong cải cách hành chính

Thứ sáu, 13/12/2024 08:19
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Tỉnh Cao Bằng duy trì và vận hành ổn định hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống hòm thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp; hệ thống thông tin báo cáo, tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến với tổng số 238 hồ sơ, giao dịch điện tử.

Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm

Từ khi Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 7/3/2022 về xây dựng Chính quyền điện tử và hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, tỉnh Cao Bằng đã đồng bộ hóa các giải pháp trên cả ba trụ cột.

Tỉnh đã tập trung triển khai 5 nhóm tiện ích và 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Cao Bằng xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng để ổn định kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và kinh doanh.

Theo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh, hiện nay, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được chuẩn hóa và cài đặt kết nối với hệ thống giám sát Cục Bưu điện Trung ương đến 100% UBND huyện, Thành phố và các xã trên toàn tỉnh. Hệ thống quản lý văn bản kết nối thông suốt với trục liên thông văn bản quốc gia được ứng dụng và triển khai đồng bộ đến 100% sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Việc hình thành mạng lưới chuyển đổi số từ cấp Trung ương đến cơ sở sẽ thúc đẩy toàn dân tham gia chuyển đổi số quốc gia.

Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ số hóa Sổ hộ tịch theo Kế hoạch số 2222/KH-UBND ngày 07/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 3510/KH- UBND ngày 09/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng. Theo đó, tổng số dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh cần số hóa là 500.163 dữ liệu. Đến nay số dữ liệu số hóa đã được chuyển chính thức vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT) là 388.120 dữ liệu, đạt 77,5% kế hoạch; số dữ liệu còn lại hiện nay đang tiếp tục nhập vào phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Nhờ sự tham gia của cả hệ thống chính quyền, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh dần được xây dựng và phát triển. Dữ liệu số đang từng bước phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số đồng bộ

Thực hiện chỉ đạo, kế hoạch của Tỉnh, thành phố, huyện, thị trấn và các xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Huyện Trùng Khánh trong suốt thời gian qua đã đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền bảo đảm phù hợp, thiết thực với các đối tượng khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn huyện cơ bản thực hiện đúng thẩm quyền, tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục ban hành, nội dung và hình thức ban hành theo quy định.

Cán bộ, công chức hướng dẫn người dân thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Trùng Khánh. 

Nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả và đúng quy định các nhiệm vụ về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), huyện ban hành các văn bản chỉ đạo về kiểm soát TTHC. 100% TTHC của cấp huyện, cấp xã và địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính được công khai trên Trang thông tin điện tử của huyện và cấp xã đảm bảo quy định. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức liên hệ công việc và góp ý về thực hiện quy trình TTHC, đặc biệt là phản ánh kịp thời những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà của công chức trong quá trình thi hành nhiệm vụ.

UBND huyện Hạ Lang thành lập Ban chỉ đạo CĐS và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo CĐS huyện. Ban chỉ đạo tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trên địa bàn huyện.

Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hạ Lang đều có mạng LAN và kết nối cáp quang. 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được trang bị máy tính đáp ứng yêu cầu công việc, cấp xã 98% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, có kết nối internet; 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn đều thực hiện ký số và sử dụng thường xuyên hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT-Ioffice. Duy trì hoạt động và nâng cấp Trang thông tin điện tử cấp huyện, cấp xã, thị trấn theo hướng dẫn, đảm bảo quy định pháp luật. Huyện trang bị 2 phòng họp trực tuyến, cấp xã 13/13 có phòng họp trực tuyến kết nối họp trực tuyến để phục vụ các cuộc họp, hội nghị định kỳ hằng tháng và đột xuất giữa Trung ương, tỉnh với huyện, xã.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị, tạo lập cơ sở dữ liệu số đã đổi mới hoàn toàn hoạt động của bộ máy chính quyền, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí. Mọi hoạt động của chính quyền đang hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn tại tỉnh Cao Bằng./.

Hà Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực