Mô hình trồng na tạo thu nhập ổn định
Xã La Hiên, huyện Võ Nhai có 2.242 hộ dân với 8.625 khẩu. Trong đó, số hộ nghèo của xã là 68 hộ, chiếm 3,12%; hộ cận nghèo là 47 hộ, chiếm 2,15%. Thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình giảm nghèo, bộ mặt của xã La Hiên đã từng bước thay đổi; những con đường đất gập ghềnh, khó đi trước đây nay đã được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại của người dân; những vạt đồi trọc đã được phủ bởi màu xanh trù phú của na, cam, bưởi… Xã hiện có trên 400 ha diện tích cây ăn quả, trong đó có trên 300 ha cây na. Cây na đã xuất hiện tại xã La Hiên từ những năm 1987 do người dân tại xóm Hiên Minh, Xuân Hòa nhân giống và trồng thử nghiệm. Hiện nay na được trồng ở 11/16 xóm, nhưng nhiều nhất là tập trung tại các xóm như: Hiên Minh, Hiên Bình, La Đồng, Xuân Hòa. Với sự cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, người nông dân nơi đây đã cho ra đời những trái na đạt chất lượng.
|
Mô hình trồng na tại xã La Hiên giúp người dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định. |
Trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và người dân trồng na tại La Hiên luôn chú trọng, trồng và chăm sóc cây na theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra những trái na đẹp về mẫu mã, an toàn về chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Thu nhập bình quân từ trồng na là 13 - 15 triệu đồng/ 1 sào, khoảng 400 triệu đồng/ha. Nhờ có cây na mà kinh tế của người dân trong toàn xã ngày càng phát triển, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ khá và giàu.
Việc phát triển kinh tế của nhân dân, đóng góp một phần không nhỏ và việc phát triển kinh tế, xã hội của xã. Mô hình trồng na được triển khai đạt hiệu quả cao, đã tạo điều kiện giúp các hộ nghèo, cận nghèo của xã phát triển kinh tế, đặc biệt là các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần giúp xã La Hiên thực hiện mục tiêu phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,5 - 1%/năm.
Là một trong những người thoát nghèo từ việc trồng na, bà Bùi Thị Tuất, xóm Cây Bòng, xã La Hiên có 3 ha trồng na, được nhà nước hỗ trợ về vốn và mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng na. Những năm gần đây cuộc sống được cải thiện, thu nhập từ trồng na rất ổn định, tạo công ăn việc làm cho tất cả thành viên trong gia đình. Mỗi năm trừ chi phí gia đình bà thu về khoảng 200 triệu.
Trao đổi với phóng viên, ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên, huyện Võ Nhai cho biết: “Chương trình giảm nghèo bền vững thực sự là “cứu cánh” và là nền tảng trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển, để người dân các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn và có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Cũng theo ông Cử, điều đáng phấn khởi là cùng với nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia, công tác giảm nghèo ở địa phương ngày càng mang tính xã hội hóa cao, thu hút đông đảo tầng lớp Nhân dân, tổ chức đoàn thể, xã hội tham gia với sự đóng góp tích cực về công sức, tiền của cho người nghèo, hộ nghèo thông qua các cuộc vận động Ngày vì người nghèo, Quỹ vì người nghèo”.
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển nhiều mô hình giảm nghèo
Không chỉ xã La Hiên, mà nhiều địa phương khác của huyện Võ Nhai cũng đang có những bước khởi sắc đáng kể thông qua nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình giảm nghèo bền vững. Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo; hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
|
Mô hình phát triển nghề nông thôn phục vụ xóa đói giảm nghèo của HTX mỳ bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai). |
Đến năm 2025 toàn huyện phấn đấu giảm 3% hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phong trào thi đua: “Võ Nhai chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân.
Ông Dương Văn Toản, Phó chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: “Chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội luôn được sự quan tâm của Đảng bộ huyện, coi là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện đã đạt được những kết quả toàn diện. Hiệu quả từ việc hỗ trợ sinh kế đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững ở Võ Nhai, từ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể. Nếu như cuối năm 2022, toàn huyện có 2.897 hộ nghèo, tỷ lệ 16,28%, thì đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 12,06% hộ nghèo. Trong giai đoạn 2021 - 2025, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả và đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3% trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo bình quân đạt 1,4%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025 và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện”.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, thời gian tới huyện Võ Nhai tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Các phòng, ban chuyên môn trong huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các xã miền núi, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, cận nghèo về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững tại các địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo, coi đây là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững./.