Ngày 15/8, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng Đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại; việc triển khai các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.
|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Theo báo cáo của Sở Công Thương Thái Nguyên tại buổi làm việc, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong 7 tháng đầu năm 2024 có khởi sắc; một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất và có đơn hàng giá trị lớn, góp phần duy trì đà chuyển biến tích cực từ những tháng cuối năm 2023. Kinh tế của tỉnh đang dần phục hồi, tháng sau tốt hơn tháng trước; các ngành, các lĩnh vực đều đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng những tháng cuối năm 2024.
Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 7,15% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 45.145,7 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ, bằng 59,8% kế hoạch năm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,62% so với bình quân cùng kỳ năm 2023; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 17,6 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ và đạt 60,1% kế hoạch năm 2024.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành liên quan đã được phê duyệt, tỉnh đang tổ chức quản lý có hiệu quả và hướng dẫn thực hiện đúng các quan điểm, định hướng của Quy hoạch tỉnh…
Trong cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên hiện nay, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60%; dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%. Tỉnh đang phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030 tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, đặc biệt kỳ vọng vào các tài nguyên chính trong đó có du lịch. Tỉnh Thái Nguyên mong muốn Dự án mở rộng Nhà máy Gang Thép giai đoạn 2 được tiếp tục triển khai, hoạt động trở lại; đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ chỉ đạo nội dung này, góp phần đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế không những của tỉnh Thái Nguyên mà cả nước nói chung. Đề nghị lãnh đạo các cục, vụ, tập đoàn kinh tế đồng hành, phối hợp hỗ trợ để tỉnh Thái Nguyên phát huy tiềm năng, thế mạnh, ngày càng phát triển hơn nữa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Chuyến công tác nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của các địa phương, đặc biệt là các địa phương trọng điểm như Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã khai thác, phát huy khá tốt các tiềm năng, thế mạnh của mình để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và nổi lên là cực tăng trưởng mới của cả nước, đứng đầu các tỉnh trong vùng và đứng thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp.
Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Thái Nguyên cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng mà tỉnh có thế mạnh gắn với tận dụng lợi thế, thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và chú trọng xử lý vấn đề môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững; đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu.
Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI trong quá trình đầu tư, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh và khu vực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.
Tỉnh cũng cần chú trọng rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; thúc đẩy đầu tư công để dẫn dắt, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành chế biến nông, lâm sản và khai thác nguyên liệu sẵn có; hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi để giải quyết việc làm tại chỗ và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các địa phương trong tỉnh. Trong lĩnh vực thương mại, tỉnh cần hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, nhất là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp; chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Bộ sẽ có văn bản giải đáp cụ thể và tổng hợp, chuyển đến các bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.