|
Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu, đã làm việc tại Vùng Trung du và miền núi phía bắc. |
Nhiều tiềm năng lợi thế chưa được phát huy
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương trong vùng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển và nêu đề xuất, kiến nghị với Trung ương.
Lãnh đạo các tỉnh đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biến động thường xuyên. Tuy nhiên với sự điều hành quyết liệt, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng, nổi bật là Việt Nam trở thành điểm sáng trong phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư; tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn mức trung bình của thế giới; lạm phát được kiềm chế dưới 4%, xuất siêu liên tục trong 9 năm…
Các tỉnh đánh giá cao cách tiếp cận mới của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội khi làm việc với địa phương để lắng nghe, ghi nhận những kinh nghiệm, mô hình hay cũng như khó khăn, vướng mắc, nhất là của các nơi khó khăn khi xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Đại hội Đảng lần thứ XIV; kiến nghị Đoàn công tác cử các đoàn làm việc cụ thể về từng vướng mắc, khó khăn của vùng.
Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng trưởng GRDP của vùng năm 2023 đạt 6,53%, cao hơn bình quân chung của cả nước (5,05%). GRDP bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 68 triệu đồng, cao hơn vùng Tây Nguyên, thu ngân sách năm 2023 của vùng vượt 17% so với dự toán.
Tuy nhiên, Vùng Trung du và miền núi phía bắc vẫn là vùng "lõi nghèo" của cả nước, nhiều tiềm năng lợi thế chưa được phát huy, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ…
Chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông là hai điểm nghẽn lớn nhất đối với sự phát triển của vùng. Cao Bằng không có trường đại học, không có cơ sở đào tạo chuyên sâu; Sơn La thiếu giáo viên tiểu học; hay thời gian để lãnh đạo tỉnh Điện Biên di chuyển sang Lào Cai dự họp mất 7 tiếng.
Các địa phương kiến nghị Trung ương có chính sách đầu tư phát triển mạnh hệ thống hạ tầng giao thông, trước hết là kết nối dọc, để đến năm 2030 không có tỉnh nào không có cao tốc đi qua, đồng thời tăng tính liên kết ngang; có chính sách đặc thù để phát triển nguồn nhân lực cho vùng.
Trung ương cũng cần quan tâm đẩy mạnh phân cấp cho địa phương về ngân sách, đầu tư công, đất đai, khoáng sản; đầu tư phát triển hạ tầng cửa khẩu quốc tế, mô hình cửa khẩu thông minh; xây dựng các chương trình mục tiêu giai đoạn sau 2025 với số lượng nhóm chính sách gọn hơn, tập trung hơn để các địa phương dễ thực hiện; hỗ trợ các địa phương trong vùng phát triển du lịch cộng đồng, khai thác tiềm năng văn hoá của vùng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Tiểu ban cập nhật dự báo về tình hình, xu hướng phát triển của quốc tế; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là pháp luật về đầu tư; định hướng xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn sau 2025.
|
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Cần có sự ưu tiên cơ chế, chính sách, nguồn lực cho khu vực này
Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh vai trò quan trọng của Vùng Trung du và miền núi phía bắc, không chỉ là nơi giữ rừng, giữ nước mà còn chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển quan hệ đối ngoại vì sự phát triển chung của cả nước, nên tinh thần chung là cần có sự ưu tiên cơ chế, chính sách, nguồn lực cho khu vực này trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, tổ chức các đoàn khảo sát chuyên đề tại các địa phương đồng thời mong các địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Đại hội XIV.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương nỗ lực hơn, quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ là người dân tộc và cán bộ làm công tác dân tộc; chú trọng nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở trong bối cảnh Trung ương đẩy mạnh phân cấp nhưng nhiều địa phương chưa triển khai được; liên kết giao thông phải đi trước để khai thác tiềm năng, lợi thế…
Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Tiểu ban, có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030); xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng./.