Tại buổi trao đổi, các chuyên gia đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến sự bùng nổ của nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong thời gian qua, quy hoạch điện, giá điện, tích trữ năng lượng, quá tải hệ thống truyền tải, việc đấu nối vào các dự án NLTT, chuyển nhượng các dự án NLTT, việc cắt giảm nguồn NLTT...
Chuyên gia Vũ Đình Ánh đặt vấn đề cần tiếp tục khẳng định năm nay sẽ bị tác động của dịch COVID-19, vậy EVN cần phải có phương án nếu dịch tiếp tục kéo dài, thì việc cân đối cung cầu năng lượng ra sao, các kế hoạch nguồn, dự án đầu tư sẽ thay đổi thế nào ?
Các chuyên gia cũng đề cập đến việc năm 2020 bùng nổ NLTT không theo quy hoạch thì ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này ? Sự chênh lệch giữa công suất lắp đặt và công suất phát điện trong thời gian qua sẽ gây lãng phí sử dụng nguồn lực đối với xã hội.
|
Buổi trao đổi, thông tin tới các chuyên gia về tình hình vận hành hệ thống điện. Nguồn: ảnh minh họa |
Về vấn đề này ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng Quy hoạch điện VII được phê duyệt cách đây hơn 10 năm, sau đó là quyết định hiệu chỉnh vào năm 2016, lúc đó NLTT không thể cạnh tranh được với các nguồn khác vì chi phí rất lớn (40 cent/kWh). Đến năm 2018, NLTT mới bắt đầu phát triển do giá hạ đi nhiều. Thời điểm đó, chúng ta cũng bị sức ép về vay vốn. Quy hoạch vẫn hiệu chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi khi công nghệ phát triển, điều kiện tốt hơn nên tất cả các dự án điện mặt trời, điện gió đều được xem xét phê duyệt. Nếu không có ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2020 thì việc phát triển như vậy là phù hợp.
“Thực tế, EVN chỉ làm vai trò thực thi, vận hành hệ thống điện, thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy hoạch; còn thẩm quyền quyết định về quy hoạch do các cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải EVN. EVN bán điện theo giá của Nhà nước quy định”, ông Tài Anh chia sẻ.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng chia sẻ mối lo một số dự án điện NLTT tranh thủ chính sách ưu đãi của Chính phủ xây dựng nhanh và chuyển nhượng dự án cũng rất nhanh, sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, cần có sự kiểm soát tốt hơn. Về nội dung này, Ban Pháp chế của EVN cho biết, UBND cấp tỉnh/thành phố cấp chủ trương đầu tư cho dự án, chủ đầu tư tự quyết định chủ trương đầu tư, EVN là bên mua điện sau khi ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư.
Về việc cắt giảm nguồn NLTT trong thời gian qua, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, ngay từ đầu EVN đã đưa ra những kiến nghị với Bộ Công Thương và EVN xây dựng theo thứ tự, trong trường hợp thừa nguồn do quá tải, để đảm bảo an ninh hệ thống sẽ cắt giảm đồng đều như nhau. Trên nguyên tắc ưu tiên hàng đầu cho NLTT, sau đó mới tính đến các nguồn điện khác, để có thể đảm bảo công bằng các nhà máy; không có tình trạng ưu tiên các nhà máy của EVN.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cũng cho rằng NLTT bùng nổ quá mức như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các dự án khác. Điều này rõ ràng phải tính toán lại.
“Nhiều vấn đề các chuyên gia đặt ra đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành. Chúng ta cần quan tâm đến hiệu ứng của các dự án NLTT sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế từ các dự án khác đã có trong quy hoạch ra sao ?”, ông Tuấn cho hay.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh: “An ninh năng lượng là vấn đề của quốc gia, không thể để các địa phương quyết định được, kể cả từ việc quyết định công nghệ, cho đến thẩm định năng lực của các nhà đầu tư”.
“Trong các giải pháp của EVN đưa ra về vận hành hệ thống điện trong thời gian tới vẫn nhấn mạnh thêm vấn đề về tiết kiệm điện. Tất cả các ngành phải sử dụng công nghệ mới, tiên tiến tiết kiệm năng lượng, chứ không chỉ riêng EVN. Bởi Việt Nam vẫn là nước có cường độ sử dụng điện tăng cao so với tăng trưởng kinh tế”, bà Lan đề xuất.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa đề cập đến các khó khăn về cơ chế, chính sách phát triển NLTT ngoài tầm của EVN để đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện cho nền kinh tế. Cơ chế điều tiết giá điện khi xuất hiện NLTT sao cho phù hợp với tình hình cung ứng điện.
Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam chia sẻ, nguyên nhân của những khó khăn mà EVN đang gặp phải chính là do quản lý nhà nước về các ngành kinh tế nói chung và ngành điện nói riêng cần rút kinh nghiệm. Nếu quy hoạch tốt thì sẽ không có hiện tượng bùng nổ NLTT, bùng nổ chỉ khi thiếu kiểm soát.
“Nhiều năm qua chúng ta hô hào đầu tư cho NLTT nhưng rồi vẫn dẫm chân tại chỗ. Chỉ cần Nhà nước đưa ra chính sách ưu đãi giá điện 9,35 cent/kWh, tự nhiên các nhà đầu tư ồ ạt, từ đó dẫn đến việc thiếu kiểm soát các dự án NLTT. Các địa phương khi phê duyệt các dự án NLTT không tham khảo ý kiến của đơn vị lập quy hoạch điện là Viện Năng lượng và đơn vị vận hành hệ thống điện là EVN”, ông Trần Đình Long nói.
“Hiện nay chúng ta đang chờ Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Điện VIII. Tôi cho rằng, phía quản lý nhà nước về phương diện các ngành kinh tế nói chung và ngành điện nói riêng cần phải xem lại vai trò của mình trong việc đưa ra chính sách phát triển vĩ mô, không thể thích thì đưa vào, không thích thì dừng như đã từng xảy ra với câu chuyện điện hạt nhân”, ông Trần Đình Long yêu cầu.
Theo ông Bùi Xuân Hồi, Viện Kinh tế - Đại học Bách khoa Hà Nội, các vấn đề được các chuyên gia trao đổi tại buổi làm việc không nằm trong thẩm quyền của EVN từ quy hoạch đến giá điện. EVN chỉ là đơn vị thực thi vận hành hệ thống điện, bán điện theo giá điện Chính phủ quy định.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh, với chính sách phát triển NLTT của Chính phủ, EVN đã nỗ lực tối đa để hệ thống điện vận hành an toàn. Là đơn vị quản lý, vận hành 100% lưới điện truyền tải nên EVN vẫn chịu trách nhiệm cung ứng đủ điện cho sự phát triển của nền kinh tế và đảm bảo an toàn trong cung ứng điện với mọi tình huống.
Tại buổi trao đổi, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) thông tin, 4 tháng đầu năm nay, điện sản xuất tăng 7,92% và điện thương phẩm tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2020. Từ nay đến cuối năm tăng trưởng điện phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch COVID-19 và các chính sách điều hành của Chính phủ.
Theo ông Ninh, năm 2021, dự kiến khai thác khoảng 32 tỷ kWh nguồn NLTT, gấp hơn 2 lần so với năm ngoái, trong bối cảnh phụ tải, EVN tiếp tục khai thác các nguồn điện truyền thống. Năm nay EVN tiếp tục khai thác các nguồn khí, than giảm so với kế hoạch khoảng 8 tỷ kWh. Hệ thống điện giai đoạn này vẫn cơ bản dựa trên các nguồn truyền thống là nhiệt điện than và nhiệt điện khí.
Giai đoạn 2019-2020 có sự bùng nổ của NLTT đã và đang có sự bất đồng bộ trong lưới điện, chủ yếu tập trung ở miền Trung Tây Nguyên, miền Nam. Đơn cử tại tỉnh Ninh Thuận, khi có quá nhiều nguồn NLTT. Tổng số NLTT tại tỉnh này lên đến vài ngàn MW công suất. Với sự phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT này, lưới điện vùng này chưa đảm bảo. Tuy nhiên hiện nay chưa có đánh giá của việc bùng nổ NLTT tại đây, dẫn đến tình trạng quá tải thời gian qua.
Ảnh hưởng của NLTT đến vận hành hệ thống điện đó là hiện tượng thừa nguồn, quá tải đường dây nội miền, đường dây liên kết 500kV; phụ tải chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm lớn; hệ thống điện vận hành độc lập, thiếu dự phòng công suất. Vào mùa lũ, NLTT bị cắt phần lớn do chủ yếu huy động nguồn thủy điện- Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cho hay.