Tắt đèn, giảm máy lạnh
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, từ 31/5/2021 đến nay, nắng nóng cực đoan diễn ra trên diện rộng đã khiến nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng cao và liên tục lập kỷ lục. Nếu ngày 31/5/2021, công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc đạt mức 41.549MW và sản lượng điện là 850,3 triệu kWh, cao nhất từ trước đến nay thì ngày 1/6, mức kỉ lục về sản lượng điện tiêu thụ lại lập đỉnh mới với 880,3 triệu kWh – tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng hơn 15% so với trung bình tuần trước đợt nắng nóng.
|
Các đơn vị điện lực luôn ứng trực 24/24 để nỗ lực đảm bảo vận hành an toàn, ổn định.
Ảnh ND
|
Nắng nóng kéo dài dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do nhiều thiết bị điện ở ngoài trời đã phải chịu đựng môi trường nhiệt độ cao dài ngày; một số đường dây, trạm biến áp vận hành bị quá tải ở một số thời điểm. Bên cạnh đó, một số tổ máy nhiệt điện khu vực miền Bắc cũng bị suy giảm công suất do nhiệt độ nước làm mát tăng cao.
Với các hộ gia đình, nắng nóng kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện, dẫn tới nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Cũng theo ông Võ Quang Lâm, nắng nóng cực đoan đã gây áp lực rất lớn đến việc đảm bảo cung cấp điện, trong đó đặc biệt ưu tiên đảm bảo điện cho phòng, chống dịch COVID-19 cũng như điện cho sản xuất kinh doanh để không đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Chính vì vậy, nhằm giảm áp lực cho hệ thống điện, EVN đã yêu cầu các đơn vị thành viên khu vực phía Bắc thực hiện triệt để các biện pháp tiết giảm điện sử dụng trong khung giờ 12h30-15h30 các ngày 02/6/2021 và 03/6/2021.
“Ngoài tiết kiệm điện tại khu vực làm việc, Tập đoàn cũng yêu cầu CBCNV các đơn vị vận động gia đình hiện đang sinh hoạt và làm việc trên địa bàn phía Bắc thực hiện việc tiết kiệm điện, triệt để áp dụng việc đặt nhiệt độ làm việc của điều hòa không thấp hơn 27 độ C kết hợp quạt mát, để vẫn đảm bảo làm mát trong mùa nắng nóng đồng thời tiết kiệm điện cho gia đình và cho xã hội”, ông Võ Quang Lâm cho hay.
Ứng trực 24/24h
Dưới cái nóng trên 40 độ C, áp lực của những người thợ điện tăng lên gấp bội. Thợ điện vừa phải đối mặt với cái nóng của thời tiết, vừa phải hứng chịu sức nóng tỏa ra từ các thiết bị trên cột điện, trạm biến áp. Đó là chưa kể, áp lực từ phía khách hàng, khi sự cố vào mùa này bao giờ cũng nhiều hơn các thời điểm khác.
|
Công nhân ngành Điện làm việc dưới thời tiết nắng nóng 39, 40 độ C. Ảnh ND |
Đặc biệt, thời gian làm việc của những người thợ điện mùa năng nóng cũng không còn là 8 tiếng/ca, thay vào đó thời gian có thể kéo dài 16-17 tiếng/ngày. Các đơn vị phải ứng trực 24/24 để sẵn sàng xử lý nhanh nhất có thể các sự cố, cấp điện trở lại cho khách hàng, dù đó là giữa 11-12 giờ trưa hay 1 - 2 giờ sáng. Hơn ai hết, những người làm điện cũng thấu hiểu, bị mất điện vào những ngày nắng nóng sẽ vất vả, khó chịu đến thế nào. Do đó, họ luôn nỗ lực để có thể đảm bảo dòng điện an toàn, thông suốt.
Ông Võ Quang Lâm chia sẻ, nắng nóng, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến, sự cố là khó tránh khỏi. Chính vì vây, cùng với việc nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo điện nhằm hạn chế tối đa các sự cố, EVN mong muốn khách hàng chia sẻ và ủng hộ các hoạt động sản xuất kinh doanh để Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về dịch vụ khách hàng.
Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, EVN khuyến nghị khách hàng cần sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối: từ 11h30 đến 15h00 và từ 20h00 đến 23h00 hàng ngày. Việc sử dụng điện tiết kiệm không chỉ giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện mà còn hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Không chỉ có vậy, trong tình hình diễn biến dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, việc hạn chế sử dụng điều hòa còn góp phần phòng, chống COVID-19 hiệu quả theo khuyến cáo của các cơ quan Y tế./.