|
Thay công tơ mới để đảm bảo công bằng cho khách hàng. |
Chưa tìm tiếng nói chung
Vĩnh Phúc hiện có 137 xã, 100% số xã, thôn, bản và hộ dân đều có điện lưới quốc gia. Trong đó ngành điện quản lý bán trực tiếp 80 xã, còn 61 xã và 2 thị trấn đang được các tổ chức khác ngoài ngành điện: Hợp tác xã (HTX), công ty cổ phần, công ty TNHH… quản lý bán điện. Các tổ chức này chưa thực hiện quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng lưới điện theo đúng quy định như hệ thống tiếp địa lặp lại, bố trí không đủ theo quy phạm, không được thí nghiệm định kỳ theo đúng thời gian quy định. Lưới điện không được cân đảo pha, xử lý tiếp xúc thường xuyên, công tơ không được kiểm định đúng niên hạn, hệ thống hộp công tơ không được niêm phong kẹp chì theo quy định.
Mặt khác, hệ thống đường dây điện nông thôn được xây dựng từ hơn chục năm nay do có dự án ReII của tỉnh vay vốn đầu tư. Đến nay, phụ tải sử dụng điện đã tăng vài lần, nhưng các HTX dịch vụ, công ty… không có vốn đầu tư tiếp nên đường dây đã xuống cấp, không bảo đảm khả năng truyền tải, dẫn đến tình trạng điện năng yếu, thất thoát điện lớn và kém an toàn.
Người dân trong vùng chưa bàn giao lưới điện cho ngành điện thiệt thòi hơn so với các địa phương đã bàn giao lưới điện cho ngành điện tiếp quản. Các xã ngành điện quản lý, sau khi tiếp nhận đã đầu tư cải tạo, xây dựng mới mỗi xã 5 - 7 tỷ đồng; ở các xã chưa bàn giao, các tổ chức quản lý khác không bỏ vốn đầu tư. Trong khi đó, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã đầu tư mấy năm qua vài trăm tỷ đồng cho khu vực nông thôn, nhưng gần 60 xã, thị trấn chưa bàn giao lưới điện chỉ có vài xã, thị trấn có đầu tư nhưng rất nhỏ, còn lại không có đầu tư gì.
Nguyên nhân vì sao các HTX, công ty cổ phần điện không chịu bàn giao mạng lưới điện hạ áp nông thôn cho Công ty Điện lực Vĩnh Phúc?
Thực ra, UBND cấp huyện, cấp xã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn sang ngành điện quản lý nhưng các HTX dịch vụ điện và công ty CP dịch vụ điện lại không thực hiện chỉ đạo này, như các xã Đại Đình, Bồ Lý, Đạo Trù (huyện Tam Đảo).
Ông Nguyễn Đắc Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù (một trong xã chưa bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện) - đánh giá, năng lực của các HTX dịch vụ điện còn hạn chế, cũng không đủ nguồn vốn để đầu tư, cải tạo mạng lưới điện hạ áp nông thôn. Trong khi, quan điểm của lãnh đạo xã và người dân đều mong muốn bàn giao lưới điện cho ngành điện để được sử dụng điện có chất lượng và trả tiền theo đúng giá quy định của nhà nước. Tuy nhiên, các HTX này vẫn chần chừ chưa bàn giao do còn vướng mắc về vấn đề hoàn trả vốn đầu tư sau dự án.
“Xem chừng, HTX dịch vụ điện, Công ty CP dịch vụ điện xã và Công ty Điện lực Vĩnh Phúc vẫn chưa gặp nhau tại một điểm” - ông Nguyễn Đắc Vân nhận định.
Hoàn trả vốn đầu tư ngay tại thời điểm bàn giao!
Các HTX dịch vụ điện và Công ty CP dịch vụ điện ở các xã chưa chịu bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý, phải chăng là do lợi ích cục bộ của một số cá nhân, trong khi tài sản lại là của tập thể xã viên HTX.
Trước những vướng mắc trong quá trình bàn giao lưới điện ở một số xã, ngày 3/3/2015, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã làm việc với Công ty CP Dịch vụ điện Đại Đình, UBND xã Đại Đình, Phòng Công Thương huyện Tam Đảo. Công ty CP dịch vụ điện Đại Đình khẳng định: Tài sản ngoài dự án RE2, Công ty CP dịch vụ điện Đại Đình không có đầy đủ hồ sơ gốc theo Mục 1 Điều 3 Thông tư 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 4/12/2013 của Liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính và yêu cầu Công ty Điện lực Vĩnh Phúc phải hoàn trả vốn đầu tư công trình trước, sau đó mới tiến hành bàn giao lưới điện.
Một trong những xã cũng chưa bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện ở huyện Tam Đảo là xã Đạo Trù. HTX dịch vụ độc lập Đạo Trù cũng chỉ thống nhất bàn giao trên nguyên tắc đơn vị nào nhận được sẽ phải nhận hết số nợ mà HTX chưa trả được. Đối với nhánh rẽ HTX dịch vụ độc lập Đạo Trù đã đầu tư năm 2012 và 2013 hiện tại không có hồ sơ, đơn vị nào nhận bàn giao phải trả lại tiền ngay khi bàn giao cho HTX.
Ông Lăng Văn Thạch - nguyên Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện xã Tam Quan (huyện Tam Đảo) - cho rằng: Chúng tôi rất ủng hộ và đồng tình với chương trình bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện, vì mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tuy nhiên, nếu UBND tỉnh, Sở Công Thương hay Công ty Điện lực Vĩnh Phúc hỗ trợ tiền sau dự án cho các HTX này, thậm chí chỉ cần hỗ trợ 50% thì các xã sẽ bàn giao hết.
Theo Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, yêu cầu của các HTX điện, công ty cổ phần dịch vụ điện của các xã trên là trái với quy định của nhà nước. Việc hoàn trả tiền ngay lập tức sau khi tiếp nhận mà HTX điện và công ty cổ phần dịch vụ điện yêu cầu trong khi không có hồ sơ pháp lý hoặc có nhưng không đầy đủ thì công ty không thể làm ngay được, cần làm theo các bước để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Theo quy định, đối với tài sản RE2, khi ngành điện tiếp nhận sẽ có trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi từ thời điểm tiếp nhận. Đối với tài sản của nhân dân đóng góp, ngành điện có trách nhiệm hoàn trả cho nhân dân khi đầu tư cải tạo; với tài sản của HTX đầu tư, ngành thực hiện theo đúng Thông tư 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 4/12/2013 của Liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Nếu HTX dịch vụ điện các xã không thống nhất theo lộ trình giao nhận tại Thông tư 32 thì phải tự chịu trách nhiệm quản lý lưới điện, đầu tư lưới điện bảo đảm an toàn và đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân, giá bán điện cho hộ dân nông thôn theo đúng quy định của pháp luật.
Việc bàn giao lưới điện là chủ trương lớn của nhà nước, không thể có một tổ chức, cá nhân nào “chần chừ”. Việc các HTX điện, công ty cổ phần dịch vụ điện này vẫn “cố thủ” không chịu bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý là rất thiệt thòi cho các hộ dân nông thôn.
Một vấn đề cần các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm xem xét: Một số công ty cổ phần, công ty TNHH được thành lập nhận bàn giao tài sản lưới điện của các HTX dịch vụ (tài sản của các HTX dịch vụ là tài sản của tất cả các hộ dân) nhưng chỉ nhận phần tài sản lưới điện ReII (có hoàn trả vốn), còn lại phần quan trọng là lưới điện cũ từ trước do dân đóng góp xây dựng, do các nguồn vốn khác (có nơi có cả nguồn vốn ngân sách), thì lại không đưa vào để đánh giá hoàn trả cho dân. Vô hình trung, tài sản chung của dân lại “cho không” tư nhân để quản lý kinh doanh. Vấn đề này cần đuợc làm rõ.
Việc các công ty cổ phần điện và các HTX ở tỉnh Vĩnh Phúc chưa bàn giao mạng lưới điện cho Công ty Điện lực Vĩnh Phúc quản lý là không thực hiện theo đúng chủ trương của UBND tỉnh và Chính phủ. Khi mạng lưới điện hạ áp nông thôn chưa được cải tạo, nâng cấp thì người dân ở các khu vực này còn phải chịu nhiều thiệt thòi: Sử dụng điện với chất lượng hạn chế, thiếu an toàn và giá điện cao so với quy định của nhà nước. |