Ban Quản lý Dự án điện nông thôn miền Trung 15 năm thành lập

Chủ nhật, 11/01/2015 14:18

(ĐCSVN) - Ban Quản lý dự án năng lượng nông thôn khu vực miền Trung ra đời từ đây theo quyết định số 282 ngày 06/10/1999 của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập Đoàn Điện lực Việt Nam) và chính thức triển khai hoạt động từ ngày 01/01/2000.    

 Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung vinh dự nhận Bằng khen
 của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành xuất sắc cấp điện
bằng cáp ngầm huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Những ngày đầu hoạt động, trên cơ sở lực lượng cán bộ nòng cốt là Tổ quản lý điện nông thôn gồm 7 người và một số cán bộ thuộc các phòng Công ty Điện lực 3 được điều động, tổng số cán bộ công nhân viên chỉ có 20 người, cơ sở vật chất thiếu thốn. Qua thời gian phấn đấu, cùng với sự quan tâm đầu tư đặc biệt của lãnh đạo Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực miền Trung, các thế hệ cán bộ nhân viên Ban Quản lý dự án đã phấn đấu không ngừng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống lưới điện phân phối nông thôn góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh quốc phòng trên địa bàn các tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên. 

Khi mới thành lập, Ban được giao nhiệm vụ tiếp tục triển khai dự án đưa điện về 120 xã nông thôn giai đoạn 1998-1999, một số công trình đưa điện về các xã nông thôn miền núi đặc biệt khó khăn sử dụng vốn tự có của ngành điện đã được triển khai hoàn thành đúng tiến độ đề ra như: Công trình quà tặng của Thủ tướng Chính phủ cho đồng bào các xã A Dơi - Pa Tầng (Quảng Trị); Ngân Thủy (Quảng Bình); công trình cấp điện 10 xã vùng căn cứ cách mạng khu vực Trà Bui - Tăk Pỏ, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Các công trình cấp điện các xã Trà Xinh, Trà Thanh (Quảng Ngãi); Măng Bút, Ngok Linh, Mường Hoong, Ngok Tem, Đăk Ring, Mô Rai (Kon Tum); Ia Khai, Ia Ga, Yang Nam, Kon Pne (Gia Lai), công trình cấp điện cho 73 buôn căn cứ cách mạng 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông.v.v.. Cùng với thời điểm này, dự án năng lượng nông thôn I dùng vốn vay Ngân hàng Thế giới bắt đầu khởi động. Với tổng vốn đầu tư 840 tỷ đồng cấp điện cho 112.209 hộ của 259 xã ở 62 huyện thuộc 10 tỉnh, bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk và Đăk Nông. Đây là dự án có quy mô lớn lại được triển khai trên địa bàn trải rộng, hầu hết các xã trong dự án là những xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện địa hình thi công núi cao cách trở, thủ tục đầu tư phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Tổ chức cho vay. Nhưng chỉ trong vòng 3 năm từ 2001-2004 toàn bộ dự án đã hoàn thành, đảm bảo kế hoạch đề ra, đây là dự án được EVN đánh giá cao và Ngân hàng thế giới xếp vào hạng một trong những dự án thành công tại Việt Nam. Tiếp theo thành công của dự án năng lượng nông thôn I, Ngân hàng Thế giới tiếp tục tài trợ triển khai Dự án năng lượng nông thôn II phần trung áp có tổng vốn đầu tư gần 440 tỷ đồng, thực hiện ở 236 xã thuộc các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên thời gian thực hiện 2005-2011. Dự án lưới điện phân phối nông thôn (RD) 6 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Các dự án đã hoàn thành theo đúng hiệp định của Ngân hàng thế giới. 
  
Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, nhất là trong những năm đầu mới thành lập, nguồn kinh phí quản lý dự án hạn hẹp, hơn nữa việc quản lý công trình điện nông thôn phải đi lại thường xuyên chi phí tăng cao, trong thời gian này, Ban đã đề xuất và được Tổng Công ty Điện lực miền Trung giao quản lý triển khai thực hiện hơn 46 khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, triển khai đầu tư cấp điện phục vụ sản xuất cho 48 nhà máy trong các Khu kinh tế Dung Quất, tiểu thủ công nghiệp Buôn Mê Thuột, Khu công nghiệp Nam Đông Hà. Các dự án này được các nhà đầu tư và Lãnh đạo các địa phương đánh giá cao. Với đội ngũ Cán bộ nhân viên trẻ năng động, chịu khó nghiên cứu, Ban mạnh dạn đề xuất và được Tổng Công ty Điện lực miền Trung giao quản lý những dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, công nghệ cao như các công trình đường dây và Trạm biến áp 110kV Cảng Dung Quất, Xi Măng Đồng Lâm – Thừa Thiên Huế, Tà Rụt, Quán Ngang, Vĩnh linh - Quảng Trị, Dốc Sỏi - Kỳ Hà, tuy gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch địa phương có nhiều thay đổi, lại triển khai đúng vào thời điểm giá cả nguyên vật liệu xây dựng trên thị trường có nhiều biến động, tuy nhiên bằng sự quyết tâm cao công trình triển khai đảm bảo tiến độ, đóng điện kịp thời phục vụ như cầu sản xuất của nhà đầu tư và các phụ tải của địa phương.

Hay các công trình hạ tầng Viễn thông phục vụ yêu cầu phát triển - mở rộng ngành nghề kinh doanh Viễn thông Điện lực theo chủ trương của EVN. Tuy đây là lĩnh vực tương đối mới mẻ, nhưng với lòng say mê và quyết tâm cao cùng với sự ủng hộ giúp đỡ từ các Phòng chức năng Tổng Công ty Điện lực miền Trung, trong một thời gian ngắn 199 trụ ănten, 216 trạm thu phát sóng và hơn 2.600 km cáp quang tại khu vực miền Trung đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần phục vụ công tác kinh doanh viễn thông Điện lực trong toàn Tổng Công ty và Dự án mini SCADA tại thành phố Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn và Buôn Ma Thuột đã triển khai đúng tiến độ, đạt kết quả hết sức khả quan được Đại sứ quán Phần lan đánh giá hiệu quả. Trong lĩnh vực quản lý đầu tư nguồn điện, Ban Quản lý dự án được giao quản lý đầu tư công trình thuỷ điện nhỏ tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Đến nay, Dự án thuỷ điện A Roàng đang giai đoạn nước rút để hoàn tháng phát điện trong quí 3/2015, dự án Thuỷ điện Đăk Pring, đã hoàn thành các thủ tục lựa chọn nhà thầu và đang triển khai thi công xây lắp. Đặc biệt, Ban vinh dự được Tổng Công ty Điện lực miền Trung giao nhiệm vụ quản lý những dự án trọng tâm của Tập đoàn và có ý nghĩa chính trị xã hội cao.

Năm 2009, triển khai dự án cấp điện cho 852 thôn buôn 4 tỉnh Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư 1.122 tỷ đồng từ vốn ngân sách và vốn tự có của ngành điện. Đây là dự án được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, EVN và lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung, được triển khai trên địa bàn rộng, rãi rác, địa hình núi cao hiểm trở, nơi mà hầu hết các dự án trước đây chưa thực hiện được. Qua 2 năm thực hiện, bằng sự nỗ lực hết mình và quyết tâm cao, dự án đã thành công rực rỡ và được Phó Thủ Tướng, Hoàng Trung Hải đánh giá cao tại Lễ mừng công tháng 4/2011.

Trong năm 2014, thực hiện thành công dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm, là một Dự án cáp bách, có ý nghĩa chính trị quan trọng, đảm bảo điện năng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo nhằm giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Dự án có qui mô lớn, công nghệ phức tạp, điều kiện thi công trên biển khó khăn với độ sâu đáy biển từ 70-90m, với tổng mức đầu tư 652 tỷ đồng, gồm 9 km đường dây trung áp trên đất liền, hơn 26 km đường cáp ngầm trung áp 22kV xuyên biển. Chỉ trong vòng chưa đến 1 năm dự án đã được triển khai hoàn thành đóng điện và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tại buổi lễ khánh thành tháng 9/2014.

Trong giai đoạn hiện nay Ban được Tổng Công ty Điện lực miền Trung tiếp tục tin tưởng giao Ban quản lý thực hiện các dự án quan trọng: - Dự án cải tạo lưới điện phân phối nông thôn DEP vay vốn Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á và Ngân hàng Tái thiết Đức; - Dự án đường dây và Trạm biến áp 110kV Hòa Bình 2 - Đăk Lăk; - Dự án miniscada thành phố Tam kỳ và Pleiku vay vốn Chính phủ Phần Lan; - Dự án hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển lưới điện phân phối (SCADA/DMS) của Tổng công ty Điện lực miền Trung thuộc Dự án công nghệ cao vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Dự án cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối vay vốn JICA Nhật Bản. Đặc biệt, dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm bằng cáp Ngầm và dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Lăk. 
  

 Đóng điện cung cấp cho các thôn buôn.

Với những thuận lợi và thách thức đan xen, nhất là sự quan tâm chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên Ban Quản lý dự án đã đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện tốt các dự án được giao. Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, công tác đoàn thể đã được quan tâm đúng mức, các phong trào thi đua lao động được triển khai đều đặn, tạo động lực mạnh mẽ, kích thích các tập thể, cá nhân hăng hái tham gia, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch Tổng Công ty giao. Công tác từ thiện xã hội được duy trì thường xuyên, các đợt vận động đóng góp “Quỹ vì người nghèo”, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, góp tiền phụng duỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.v.v.. được đảng viên và cán bộ nhân viên tích cực tham gia.

Mười lăm năm xây dựng và phát triển chưa phải là dài so với tuổi đời phát triển của một đơn vị, tuy còn những tồn tại cần tiếp tục khắc phục để vững bước đi lên, song với những gì đã đạt được chúng ta có thể khẳng định rằng Ban QLDA điện nông thôn miền Trung theo thời gian đã không ngừng lớn mạnh và có những bước phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Những thành quả đó là kết quả phấn đấu không mệt mỏi của tập thể Lãnh đạo và CBNV trong Ban qua các thời kỳ và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo EVN, Lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, Công đoàn và các phòng Ban Tổng Công ty, sự phối hợp tích cực của các Công ty Điện lực, các Nhà thầu thi công xây lắp, nhà cung cấp VTTB, đơn vị tư vấn, đặc biệt sự hỗ trợ tích cực của chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung và Tây nguyên..

Với những nỗ lực và kết quả đạt được nêu trên, tập thể Cán bộ nhân viên Ban Quản lý dự án được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và 11 tỉnh trong địa bàn khu vục miền Trung. Chi bộ Ban được Công nhận Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.v.v../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực