Trong cuộc chuyện trò thân mật với chúng tôi, một cán bộ làm việc tại Ban quản lý Dự án đã đùa vui: “Làm nghề này có lỗi với người thân lắm”. Có lỗi vì các anh cứ xa nhà liên tục, dăm bữa nửa tháng mới về thăm gia đình một, hai ngày rồi lại “khăn gói quả mướp” lên công trường. Cứ mải miết đi biền biệt, nên nhiều khi họ tự trách mình vì không thể hoàn thành trọng trách của người con, người chồng, người cha trong gia đình. Bởi thế, sự cảm thông, chia sẻ của “hậu phương” chính là động lực lớn nhất giúp các anh vượt mọi khó khăn, thiếu thốn để toàn tâm toàn ý cho công việc.
Lại nghe câu chuyện vui về một kỹ sư công trình thủy điện khéo “nịnh” vợ: “Em phải mừng vì anh được đi Tây chứ!”. Vợ ngỡ ngàng, hỏi kỹ ra mới biết chồng chuẩn bị đi công trình thủy điện trên… Tây Bắc! Thế là vợ cười xòa, hết giận dỗi và để chồng tiếp tục lên đường đi… Tây.
Nhiều người cho rằng các anh thật may mắn vì được đi đây, đi đó, được trải nghiệm cuộc sống ở nhiều vùng miền trên khắp đất nước. Chỉ có những người trong cuộc mới thấm thía việc không được ở bên gia đình trong những thời khắc quan trọng, không được chăm sóc cho những người mình yêu thương là điều day dứt…
|
Thủy điện Sơn La là kết quả đổ mồ hôi của hàng ngàn người lao động |
Suốt ba năm gắn bó với công trình trong vai trò một kỹ sư giám sát bờ trái thuộc Ban quản lý dự án, mối tình của chàng kỹ sư trẻ Hoàng Văn Đặng - Phó Bí thư Đoàn thanh niên Ban quản lý dự án và cô sinh viên ngành Xã hội học ở quê nhà Thanh Hóa được “thử lửa”, để rồi kết trái, đơm hoa bằng một đám cưới rộn rã cách đây 2 tháng. Cưới xong, anh lại vội xách hành lý lên công trình. Cũng may, bao nhiêu năm yêu nhau, chị đã quen, đã hiểu và yêu cả nghề của anh nữa. Bởi xa cách, nên chiếc điện thoại trở thành “phương tiện kết nối” nuôi dưỡng tình yêu của anh chị. Anh Phó Bí thư Đoàn năng động, xông xáo là thế, nhưng cứ nhắc đến chuyện vợ con lại cười ngượng nghịu: “Nhiều lúc phải “nấu cháo” điện thoại 3 tiếng đồng hồ, vừa để thỏa nỗi nhớ vợ, vừa làm công tác tư tưởng cho cô ấy”. Cứ 3 tuần, anh Đặng cũng như các anh em khác trong Ban quản lý được nghỉ 4 ngày. Mỗi dịp như thế, anh tranh thủ về quê để thăm hỏi cha mẹ và cố gắng bù đắp cho người vợ trẻ. Mới đây, vợ anh thông báo có “tin vui”, anh chia sẻ “hạnh phúc lắm” rồi lại bâng khuâng vì thương vợ “bầu bí” mà chồng không ở bên cạnh quan tâm, săn sóc…
Đối với anh Đinh Thế Vũ, chuyên viên phòng Kỹ thuật, thì Dự án Thủy điện Sơn La đã mang đến cho anh cơ hội được góp phần xây dựng quê hương. Sinh ra và lớn lên ở Sơn La, anh luôn tâm niệm sau khi học xong đại học sẽ về quê công tác. Thấm thoắt đã bốn năm trôi qua trên công trường thủy điện lớn nhất đất nước. Anh Vũ cho biết: Phần lớn cán bộ Ban dự án đều là những thanh niên tuổi đời rất trẻ, chung cuộc sống xa nhà, ở tập thể, nên họ coi nhau như anh em ruột thịt. Bản thân anh khi gặp khó khăn hay căng thẳng do công việc, thì anh em đồng nghiệp là những người “chung lưng đấu cật”, “chia ngọt sẻ bùi”. Bởi thế, Thủy điện Sơn La trở thành ngôi nhà thứ hai của các anh.
Những CBNV Ban QLDA TĐSL đã và đang từng ngày cần mẫn, tận tụy với công việc không kể ngày đêm để đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công của công trình như cách nói của anh Đặng: “Dấu chân của anh em cày nát từng mét đất công trường”. Luôn đặt lợi ích chung của đất nước cao hơn hạnh phúc riêng, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, họ đã và đang nỗ lực lao động, cống hiến để ánh sáng tỏa đi muôn nơi. Những điều thật giản dị đó khiến cho những người như tôi, những người vốn hàng ngày được ở bên cạnh gia đình, người thân của mình càng thấm thía hơn giá trị của cuộc sống, những điều tưởng như thật đơn giản đối với chúng tôi, nhưng lại có ý nghĩa thật lớn lao đối với các anh – những người thợ thủy điện xa nhà…