Các địa phương cần triệt để lấy nước cho đổ ải

Thứ ba, 21/01/2020 09:53
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khi trao đổi với evn.com.vn về công tác chuẩn bị lấy nước đổ ải đợt 1 vụ Đông Xuân năm 2019-2020 các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

PV: Trước vụ đổ ải năm nay, Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo như thế nào để công tác lấy nước đổ ải đạt hiệu quả?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm nay, việc tổ chức chỉ đạo sản xuất gieo cấy vụ Đông Xuân rất khó khăn về nguồn nước. Do ảnh hưởng của lượng mưa thấp trong mùa mưa năm 2019, các hồ chứa thủy điện trực tiếp tham gia điều tiết nước phục vụ gieo cấy lúa hiện ở mức trữ thấp, chỉ đạt 60% dung tích thiết kế, tương đương 9,8 tỷ mét khối nước, thiếu hụt trên 7 tỷ mét khối so với vụ Đông Xuân trước đó và thiếu hụt từ 15-45% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong đó, hồ thủy điện Hòa Bình có lượng trữ thấp nhất trong 30 năm qua kể từ khi đi vào vận hành khai thác.

Trước tình hình này, Bộ đã tính toán bài toán tổng hợp, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp nước 3 đợt một cách hợp lý, khoa học nhất để đảm bảo tiết kiệm nước. Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng lấy nước, sử dụng nước triệt để nhất, tiết kiệm nhất bởi sau tháng 1 thời tiết còn tiếp tục khô hạn nên phải dự trữ nước cho sinh hoạt, cho phát triển kinh tế xã hội.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch lấy nước chi tiết phù hợp với lịch lấy nước đã được Bộ thông báo, bảo đảm tận dụng tối đa nguồn nước tại chỗ (hồ chứa, sông nội địa, ao, đầm, vùng trũng…), nguồn nước hồi quy và lợi dụng thủy triều lấy nước ngược để phục vụ gieo cấy, hỗ trợ tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện. Tổ chức lấy nước sớm, ngay khi nguồn nước cho phép để đưa nước lên ruộng và tích trữ trong nội đồng; vận hành tối đa phương tiện để lấy nước trong cả 3 đợt. Trong đó, đợt 1 tăng cường việc thau chua, rửa mặn, thau rửa hệ thống thủy lợi; đợt 2 lấy nước phục vụ gieo cấy đồng loạt; đợt 3 cấp nước cho các diện tích ở một số vùng khó khăn về nguồn nước, thường có tiến độ lấy nước chậm, đồng thời nước tích trữ nước phục vụ tưới dưỡng.

PV: Thưa Bộ trưởng, thời tiết ngày càng biến đổi cực đoan, ngành Nông nghiệp cần phải làm gì để chủ động hơn nữa trong việc lấy nước đổ ải, nhằm hạn chế xả nước từ các hồ chứa thủy điện?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đúng vậy! thời tiết ngày càng khốc liệt, ngành Nông nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc lấy nước đổ ải để giảm phụ thuộc vào các hồ chứa thủy điện.

Các hồ chứa thủy điện bên cạnh việc cung cấp nước cho nông nghiệp còn có những nhiệm vụ chính trị quan trọng khác là cấp nước sinh hoạt cho hạ du và đảm bảo cấp điện. Chính vì vậy, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu đầu tư các công trình thủy lợi lấy nước không phụ thuộc vào nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, báo cáo Bộ đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021-2025; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đánh giá lại quy hoạch, quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thích ứng với tình trạng lòng dẫn, mực nước sông bị hạ thấp.

Về lâu dài, chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học, đơn vị có liên quan nghiên cứu việc áp dụng công nghệ mới trong việc lấy nước; trong đó có giải pháp đập ngầm dâng nước nhằm phục hồi lòng sông, nâng cao hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi.

Các cơ quan sự nghiệp khoa học thuộc Bộ tổ chức nghiên cứu việc áp dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi từ hệ thống sông Hồng – Thái Bình và phục hồi lòng dẫn hệ thống sông. Tổ chức nghiên cứu giống lúa ngắn ngày, giống lúa có yêu cầu lượng nước tưới thấp; biên soạn và tổ chức hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước cho các loại cây trồng.

Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố tham mưu cho lãnh đạo địa phương tổ chức tổng rà soát về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất phù hợp nhất về nguồn nước, vùng trũng chuyển đổi sang nuôi cá, thủy sản, trồng sen…, vùng cao chuyển đổi sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao; tổ chức sản xuất nông nghiệp với cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước bị thiếu hụt.

Trạm bơm Văn Giang (Hưng Yên) 

PV: Trong nhiều năm qua, EVN luôn đồng hành cùng với Bộ NN&PTNT trong công tác lấy nước đổ ải, ông đánh giá như thế nào về vai trò của EVN?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bộ NN&PTNT đánh giá cao EVN trong nhiều năm qua đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi trong việc cấp nước phục vụ đổ ải và đảm bảo điện phục vụ các trạm bơm.

EVN thực hiện xả nước gia tăng qua phát điện từ các hồ chứa thủy điện bảo đảm đáp ứng yêu cầu của lịch lấy nước đã được Bộ NN&PTNT thông báo. Trong quá trình thực hiện, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, các địa phương kịp thời điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu thực tế. Bảo đảm cung cấp điện có chất lượng tốt cho các công trình thủy lợi hoạt động ổn định trong toàn bộ thời gian lấy nước phục vụ gieo cấy lúa, bao gồm thời gian các đợt lấy nước và trước, giữa các đợt lấy nước.

Để tiết kiệm nước từ việc xả của các hồ chứa thủy điện, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương hết sức coi trọng chỉ đạo lấy nước và xác định năm nay là năm đổ ải trong tình thế khô hạn đặc biệt. Bộ NN&PTNT sẽ tính toán kỹ lưỡng để các hồ chứa thủy điện xả nước ít nhất để EVN đảm bảo nhiệm vụ tổng thể nền cho nền kinh tế bao gồm sản xuất điện, cung cấp nước sinh hoạt.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

3 đợt cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2019-2020:

+ Đợt 1: Từ 0h ngày 20/1 đến 24h ngày 23/1/2020 (4 ngày)

+ Đợt 2: Từ 0h ngày 5/2 đến 24h ngày 12/2/2020 (8 ngày)

+ Đợt 3: Từ 0h ngày 19/2 đến 24h ngày 24/2/2020 (6 ngày) 


PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực