Cần trên 4.500 tỉ đồng để phát triển điện lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020

Thứ sáu, 21/05/2010 00:44

(ĐCSVN) - Sáng 20/5/2010, Thường trực UBND tỉnh Kiên Giang và các sở, ngành có liên quan đã có buổi làm việc để nghe Công ty CP tư vấn xây dựng điện 3 – thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua báo cáo đề án quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2015, có tính đến năm 2020. 

Hiện tại, tỉnh Kiên Giang nhận điện từ hai lưới điện 110kV và 220kV. Lưới 220kV nhận nguồn điện lưới quốc gia qua trạm biến áp 220kV Rạch Giá 2, gồm 2 máy biến áp 220/110kV – 250MVA và 125MVA, đây là nguồn cấp điện chính cho toàn bộ trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh. Lưới 110kV được cấp điện từ hệ thống điện miền Nam qua 8 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 354MVA. Hai huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải và các xã đảo thuộc huyện Kiên Lương, thị xã Hà Tiên sử dụng các cụm máy phát tại chỗ với tổng công suất xấp xỉ 20.000kW. Các nhà máy xi măng cũng có máy phát điện đủ đảm bảo cho nhà máy hoạt động, song chỉ ở chế độ dự phòng khi không có điện lưới quốc gia.

Tổng công suất tiêu thụ điện của tỉnh Kiên Giang năm 2009 là trên 1.134GWh (Gigawat giờ điện), dự kiến năm 2010 là trên 1.240GWh, mức tăng tiêu thụ điện giai đoạn 2005 – 2010 của tỉnh là từ 0,6 – 9%, trong khi mức tăng GDP bình quân của cả giai đoạn đạt trên 11%. Theo nhận định của ngành điện thì đây là dấu hiệu tốt. Mức tổn thất điện năng trên lưới trung thế của Kiên Giang năm 2009 là 7,18%. Bình quân điện thương phẩm trên đầu người của tỉnh Kiên Giang năm 2009 đạt 672kWh, riêng tiêu dùng dân cư đạt 231kWh, bình quân các hộ sử dụng điện tiêu thụ khoảng 96kWh/hộ/tháng, tăng 21kWh so với năm 2005 và tăng bình quân 6,3%/năm. Tính đến cuối năm 2009, toàn tỉnh có 338.987 hộ dân/tổng số 370.310 hộ được sử dụng điện, đạt tỉ lệ 91,54%. Giá bán điện tính đến cuối năm 2009 đã tăng trên 200đ/kWh so với năm 2005, bình quân mỗi kilowat giờ điện bán ra với giá 984đ, ở các huyện đảo là 1.691đ/kWh.

Theo đề án phát triển điện lực Kiên Giang đến năm 2015, thì mức tiêu thụ điện của tỉnh đến thời điểm đó (theo phương án cơ sở) sẽ đạt trên 2.183GWh, tốc độ tăng bình quân hằng năm khoảng 13,7%. Trong đó, nhu cầu điện dùng cho hoạt động du lịch, khách sạn, nhà hàng sẽ tăng nhanh nhất. Lượng điện tiêu thụ còn tăng do quá trình chuyển dịch cấu kinh tế từ thuần nông sang thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Kiên Giang đã và đang diễn ra khá nhanh. Việc tăng nhu cầu dùng điện đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về vốn để phát triển nguồn và lưới điện nhằm phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của đơn vị lập đề án, việc sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, kể cả thuỷ điện trên các đảo của Kiên Giang là thiếu khả thi vì giá thành cao và tác động tiêu cực đến môi trường. Cụ thể điện mặt trời chỉ thích hợp cho sinh hoạt gia đình, nhưng suất đầu tư cũng lên mới 10.000 USD/kW, hoàn toàn vượt quá khả năng của hầu hết gia đình Việt Nam. Riêng với điện gió, có thể đầu tư tại các đảo lớn, đơn cử như Phú Quốc có thể cho công suất khai thác khoảng trên 10MW, giảm đáng kể lượng dầu chạy máy phát điện hiện nay.

Đề án nêu ra một khối lượng cải tạo và phát triển lưới điện cho tỉnh Kiên Giang khá lớn. Theo đó, đến năm 2015 toàn tỉnh cần xây dựng mới 145km đường dây 110kV, 772km đường dây trung thế 22kV, 1.334km đường dây hạ thế, lắp mới trên 90 ngàn công tơ điện, lắp đặt 10 tổ máy phát diesel.

Tổng nguồn vốn xây dựng lưới điện cho đất liền và các đảo trên toàn tỉnh đến năm 2015 sẽ vào khoảng trên 1.800 tỉ đồng, đến năm 2020 cần thêm trên 2.700 tỉ đồng nữa. Do nguồn vốn đầu tư quá lớn nên đơn vị lập đề án đã kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho các khu vực còn nhiều khó khăn, hiệu quả tài chính đầu tư thấp. Riêng với huyện đảo Phú Quốc thì đề nghị có cơ chế tài chính riêng./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực