Công tác chuẩn bị, đầu tư Quy hoạch điện VII: Cần nhiều cơ chế đặc thù

Thứ sáu, 25/02/2011 10:11

Hơn 30 năm với 6 Quy hoạch phát triển điện, ngành Điện đã rất nỗ lực thực hiện bài bản phát triển hệ thống nguồn và lưới điện quốc gia. Những kết quả to lớn và đầy ý nghĩa của 6 Quy hoạch điện là bước tạo đà quan trọng cho việc chuẩn bị, thực hiện Quy hoạch điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030) trong tương lai.

Sát thực với nhu cầu tăng trưởng điện năng

Giai đoạn 2006 - 2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện mới tăng thêm trên toàn hệ thống điện là 10.400 MW, tăng 1,98 lần so với năm 2005. Trong 5 năm từ 2006 đến 2010, tổng vốn đầu tư của riêng EVN là trên 209 nghìn tỷ đồng. Hiện, yêu cầu vốn đầu tư cho phát triển điện của Việt Nam là khoảng 15% tổng vốn đầu tư toàn quốc, trong khi tại nhiều nước đang phát triển, tỷ lệ này khoảng 10%.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng điện theo giai đoạn 2011-2015 sẽ là 14,1 - 16%, giai đoạn 2016-2020 là 11,3-11,6%, giai đoạn 2021-2025 tăng 8,2-9,2%, giai đoạn 2026-2030 tăng 7,4-8,4%. Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2014, tổng công suất nguồn có khả năng đưa vào hoạt động sẽ đạt khoảng 15.000 MW, trong đó miền Bắc chiếm khoảng 8.400 MW, miền Trung khoảng 2.200 MW, miền Nam khoảng 4.600 MW. Như vậy, nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là rất cao.

Cần cơ chế mới về giá điện…

Tại Hội thảo về đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch điện VII vừa qua ở Hà Nội, các chuyên gia cho biết Quy hoạch điện VII sẽ theo hướng tăng về nhiệt điện, giảm về thủy điện, cân đối giữa nguồn phát và nhu cầu theo từng khu vực, giảm truyền tải từ vùng này sang vùng khác…

Theo ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), để thực hiện Quy hoạch điện VII, mỗi năm cần lượng vốn đầu tư mới từ 5-7 tỷ USD. Trong tình hình huy động vốn cho ngành Điện gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều chuyên gia quản lý đã đề nghị phải có cơ chế phù hợp về giá điện, thu hút vốn đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư bên ngoài… để giảm gánh nặng về vốn.

Năng lượng tái tạo – năng lượng của tương lai

Vấn đề nhiên liệu sơ cấp như than, dầu, khí cung cấp cho các nhà máy sẽ ngày càng khó khăn do giá của các mặt hàng nhiên liệu sơ cấp này đang tăng, thị trường đang nóng. Giải pháp được tính tới là phải đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp để phát triển điện. Cụ thể, ngoài phát triển các nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện, cần phát triển điện nguyên tử, năng lượng mới, năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý để làm cơ sở phát triển trong tương lai.

Ông Hường cũng cho biết, chính sách chung về đảm bảo an ninh năng lượng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khuyến khích phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Bản chất của năng lượng mới và năng lượng tái tạo là năng lượng sạch, năng lượng của tương lai. Tuy nhiên, nhược điểm là giá thành khá cao so với năng lượng truyền thống. Vì thế, trước đây việc đặt vấn đề phát triển năng lượng tái tạo là chưa phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển của đất nước. Trong thiết kế Quy hoạch điện VII, với nhu cầu ngày càng lớn về phát triển năng lượng sạch của đất nước thì tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ được tăng thêm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực