Được tách ra sau khi thành lập quận Cầu Giấy, Công ty Điện lực Từ Liêm – Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn nhưng đơn vị đã luôn biết tìm các giải pháp cho riêng mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
|
Lắp đặt đường dây điện tại Mỹ Đình - Từ Liêm Hà Nội |
Nhớ lại thời kỳ đầu, khi tách khỏi Điện lực Cầu Giấy (năm 2002), nhiều khó khăn, trở ngại dồn dập đến với Công ty. Quản lý 247 trạm biến áp và phục vụ khoảng 5.000 khách hàng phân tán trên địa bàn rộng, tập trung chủ yếu ở khu vực làng, xã, trình độ dân trí không đồng đều, nên chưa có sự chia sẻ, cảm thông giữa người dân với ngành điện. Cùng lúc đó, nhiều khu vực dân cư được bố trí quy hoạch lại theo hướng đô thị hóa, với nhiều cơ quan, công sở, các trung tâm quan trọng của trung ương và thành phố, nhiều siêu thị lớn mọc lên, kéo theo đó là lưới điện cũng phải quy hoạch lại. Năm 2007, Công ty Điện lực Từ Liêm thực hiện chính sách xóa bán tổng, tiếp nhận cung cấp điện cho 11 xã trên địa bàn huyện Từ Liêm. Đến lúc này, Công ty lại phải đối mặt với những khó khăn mới. Khi tiếp nhận quản lý lưới điện hạ áp nông thôn, toàn bộ đường dây trung, hạ áp, hệ thống công tơ của khách hàng đã cũ, không đảm bảo an toàn và cũng là nguyên nhân chính gây tổn thất điện năng. Nhiều khu vực tổn thất điện năng thấp nhất là 20%, cao nhất tới 40%. Trong khi đó, giá bán bình quân chỉ đạt khoảng 780đ/kWh. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó giám đốc Công ty cho biết: “Khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, chúng tôi phải thay thế toàn bộ hệ thống công tơ, khách hàng bức xúc lắm, họ kêu ca rằng, sử dụng công tơ cũ chỉ phải trả dăm bảy chục ngàn tiền điện, từ khi thay công tơ mới, người dân phải phải trả gấp đôi, gấp ba, nên chúng tôi phải cử người giải thích cặn kẽ cho họ hiểu. Tuy nhiên, muốn như vậy thì phải thay thế công tơ của gia đình CBCNV ngành điện trước rồi đến cán bộ các xã, sau đó đến người dân…, cán bộ làm gương, người dân sẽ noi theo”. Chính từ những biện pháp đơn giản, nghiêm túc như vậy mà nhiều năm qua, Công ty Điện lực Từ Liêm đã khắc phục được tình trạng sử dụng thiết bị đo đếm không chính xác, hạn chế tổn thất điện năng và áp giá đúng đối tượng, tạo sự bình đẳng trong khách hàng sử dụng điện.
Công ty Điện lực Từ Liêm cũng chú trọng công tác phát triển lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của phụ tải. Với sự giúp đỡ của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), Công ty đã đẩy mạnh suất đầu tư phát triển các trạm biến áp và hệ thống đường dây trung thế. Hiện tại, Công ty đang quản lý 789 trạm biến áp (TBA), khoảng 188 km đường dây trên không (điện áp từ 6 – 35 kV); 632 km đường dây hạ áp và gần 90 km cáp ngầm, với hơn 104.000 khách hàng. Bên cạnh công tác quản lý, vận hành lưới điện ổn định, Công ty còn chú trọng đến công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2010, Công ty Điện lực Từ Liêm đã tập trung chủ yếu đầu tư xây dựng mới các TBA tại các khu vực có tốc độ tăng dân cư nhanh, nhằm chống quá tải cho lưới điện với tổng mức đầu tư trên 70 tỷ đồng. Tổng số TBA được đầu tư xây dựng trong năm 2010 là 41 trạm, với tổng công suất là 21.000 kVA; thực hiện nâng điện áp vận hành từ 6 kV lên 22 kV tại 5 lộ đường dây qua TBA trung gian Cầu Diễn; xây dựng mới 1 lộ đường dây 478E6 san tải cấp điện cho khu vực để giảm tải cho lộ đường dây trung thế 476E6; chủ động rà soát, nâng công suất các TBA, lắp đặt thêm 30 máy biến áp để đảm bảo chất lượng điện áp tại các khu vực cuối nguồn, nhằm hạn chế tổn thất, Công ty đã nâng hệ thống lưới điện 6 kV lên 22 kV, giảm thiểu gián đoạn cấp điện trong các đợt nắng nóng kéo dài và các máy biến áp bị quá tải…, đáp ứng được nhu cầu phụ tải, nâng cao chất lượng điện năng và cấp điện ổn định, an toàn cho nhân dân trong khu vực, giảm được tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn dưới 7%.
Với đặc thù là đơn vị mới thành lập, hoạt động chủ yếu trên địa bàn nông thôn nên Công ty Điện lực Từ Liêm đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo, đào tạo lại mà nội dung chính là công tác an toàn, các quy trình, quy phạm kỹ thuật... Đối tượng đào tạo không chỉ đối với CBCNV trong ngành, mà ngay cả lực lượng nhân viên được tuyển dụng từ các tổ chức quản lý, bán điện nông thôn trước đây cũng được kiểm tra sát hạch, đào tạo lại, vì sử dụng được số lao động này sẽ giúp cho người dân nông thôn có việc làm, ngành điện tạo được mối quan hệ gần gũi với người dân, hạn chế tình trạng lấy cắp điện.
Bằng sự cố gắng, nỗ lực của CBCNV, Công ty Điện lực Từ Liêm đã hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2009 và hoạt động SXKD năm 2010, cụ thể, năm 2009: Sản lượng điện thương phẩm đạt 493.960.520 kWh, tổn thất điẹn năng ở mức 7,4%, giá bán bình quân là 1.148,16 đồng; 9 tháng đầu năm 2010: Sản lượng điện thương phẩm đạt 439.925.414 kWh, tổn thất giảm xuống còn 6,92%, giá bán bình quân là 1.278,52 đồng. Trong năm 2010, Công ty đầu tư 5,3 tỷ đồng thực hiện sửa chữa lớn, đại tu 23 công trình TBA và hệ thống công tơ; xây dựng các dịch vụ viễn thông, internet cho khu đô thị mới Mỹ Đình 1. Đặc biệt, đơn vị đã đảm bảo phục vụ cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, không để xảy ra sự cố trong dịp diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đáng chú ý là các sự kiện liên tục diễn ra tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia... đều được Công ty phối hợp tổ chức đặt 4 máy phát điện dự phòng để đáp ứng đủ điện và kịp thời khắc phục khi có sự cố xảy ra...
Vượt lên khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, Công ty Điện lực Từ Liêm vẫn phải đi thuê trụ sở làm việc. Có dịp đến thăm Công ty, chắc chắn không có người khách nào không cảm thấy xao lòng. Một dãy nhà cấp 4 nép mình trong tổng thể một doanh nghiệp sản xuất, diện tích quá chật hẹp; bẩy, tám cán bộ, nhân viên làm việc trong một căn phòng chỉ rộng hơn hai chục mét vuông, chật ních với các loại bàn tủ. Suốt dọc hành lang dãy nhà, cũng lại đầy ắp các tủ tài liệu, không tránh được nắng mưa dãi dầu. Đấy là chưa nói tới việc Từ Liêm được coi là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Thành phố, đòi hỏi phải sớm đầu tư, đi trước vấn đề phát triển lưới điện. Theo nhận định của lãnh đạo Công ty, trong những năm tới, khi Hà Nội quy hoạch lại, sẽ có nhiều cơ quan Chính phủ, Bộ, ngành và Thành phố, nhiều trung tâm thương mại, tài chính, du lịch, khu chung cư cao tầng... được mở rộng và xây dựng ở khu vực này thì tăng trưởng điện mỗi năm tới 18 – 20%, nếu hàng năm không phát triển thêm từ 40 - 50 trạm biến áp thì không thể đáp ứng được nhu cầu... Để khắc phục những khó khăn đó, có lẽ CBCNV Công ty Điện lực Từ Liêm đang rất cần sự chia sẻ và quan tâm của cấp trên để đơn vị sớm có nơi làm việc ổn định, đồng thời tập trung phát triển hoàn thiện hệ thống lưới điện trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân.