(ĐCSVN) - Năm 2010 tiếp tục phản ánh những khó khăn của ngành điện nói chung và Công ty Truyền tải điện 4 (TTĐ4) nói riêng trong các năm gần đây đó là cung ứng điện không đáp ứng kịp với nhu cầu và tốc độ phát triển của phụ tải.
|
Công nhân Công ty TTĐ 4 đang kiểm tra thiết bị |
Nếu như năm 2009 ngành điện gặp khó khăn do một số nguồn điện khu vực phía Bắc vào chậm nên đường dây 500kv Bắc – Nam phải truyền tải công suất cao thì sáu tháng đầu năm 2010 khó khăn này càng cao hơn do thời tiết hạn hán, nắng nóng kéo dài trên cả nước, các hồ thủy điện thiếu nước trong khi nhu cầu điện lại tăng đột biến khiến lưới điện vốn đã có nguy cơ mất ổn định lại phải gồng mình truyền tải công suất cao từ các trung tâm nhiệt điện ở xa phát tải như Cà Mau, Ô Môn cấp điện cho khu vực TP.HCM và hỗ trợ ra phía Bắc, nguy cơ sự cố là điều cảnh báo có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, điều kiện vận hành đã gây khó khăn không nhỏ cho Công ty trong công tác quản lý vận hành (QLVH) do nhiều đường dây và trạm bị quá tải khiến một số kế hoạch cắt điện để kiểm tra, bảo dưỡng hoặc sửa chữa lớn (SCL), sửa chữa thường xuyên (SCTX) thiết bị không thể thực hiện được, đồng thời nguy cơ sự cố tăng cao và phương thức vận hành bất lợi không như tính toán ban đầu cũng dẫn đến chỉ tiêu tổn thất cao hơn kế hoạch dự trù.
Mặc dù gặp phải những khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực vượt bậc, bằng tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn chung của CB-CNV Công ty Truyền tải điện 4; sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải (NPT) trong sáu tháng đầu năm 2010 Công ty TTĐ4 đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn 5/5 chỉ tiêu sự cố đều dưới mức cho phép, truyền tải công suất vượt mức kế hoạch được giao, thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch sửa chữa lớn, kế hoạch đầu tư xây dựng và tham gia nghiệm thu, chuẩn bị sản xuất, tư vấn giám sát nhiều công trình do Ban QLDA các công trình điện miền Nam thực hiện; đồng thời giữ được việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho CB-CNV cả về vật chất lẫn tinh thần.
Sáu tháng đầu năm 2010 Công ty TTĐ 4 đã tiếp nhận và đưa vào vận hành mới 3 đường dây 220kv là Cà Mau-Bạc Liêu 2, đường dây 220KV Ô môn- Thốt Nốt và đường dây 220kv Hàm Thuận-Phan Thiết; 4 trạm 220kv bao gồm trạm 220kv Châu Đốc, trạm 220kv Phan Thiết, trạm 220kv Thốt Nốt, trạm 500kv Ô Môn và các máy tăng cường công suất như máy 2 Long Thành, Tao Đàn. Với tổng chiều dài đường dây là 4,142,071km, trong đó đường dây 500kv là 765,862 km và đường dây 220kv là 3,376,209 km và tổng dung lượng trạm là 14,306 MVA trong đó 06 trạm biến áp 500kV với dung lượng 5,026MVA và 24 trạm 220kV có dung lượng 14,306 MVA. So với cùng kỳ năm 2009, chiều dài đường dây tăng 193,493km, tương đương 5% và dung lượng trạm MBA tăng 1.450MVA, tương đương 11,28%.
|
Cán bộ, công nhân Công ty TTĐ 4 đang kiểm tra Trạm Gis Tao Đàn |
Lãnh đạo Công ty TTĐ 4 cho biết, xét về tỷ lệ tăng trưởng của lưới điện và tỷ lệ gia tăng phụ tải chưa đồng đều, sản lượng điện trong sáu tháng qua của Công ty TTĐ 4 tăng 13,5% nhưng tốc độ tăng trưởng của lưới đạt 5% đối với đường dây và 11,28% trạm, điều này đã gây áp lực rất lớn cho hệ thống lưới truyền tải, các đường dây và trạm luôn phải vận hành trong điều kiện quá tải, chưa kể một số công trình đường dây và trạm đưa vào vận hành nhưng thực chất không tham gia truyền tải công suất do sự đầu tư chưa đồng bộ và còn nhiều tồn tại.
Công ty TTĐ 4 tiếp tục giữ vững lưới ổn định trong điều kiện hết sức khó khăn do thời tiết khô hạn kéo dài, phụ tải tăng cao trong khi nguồn phía Bắc không đáp ứng được tiến độ và công suất phát dự trù, đồng thời một số dự án đường dây và trạm vào chậm dẫn đến lưới truyền tải luôn vận hành trong tình trạng đầy và quá tải; với những khó khăn đó Công ty vẫn đạt được suất sự cố thấp ở 5/5 chỉ tiêu như: sự cố thoáng qua đường dây 220kV đạt dưới 29.98%, sự cố trạm biến áp đạt dưới 37.9%, không xảy ra sự cố vĩnh cửu trên đường dây 220KV, 500KV, thống kê sự cố chi tiết theo phụ lục 1 đính kèm.
Trong sáu tháng đầu năm 2010 sản lượng điện truyền tải của Công ty đạt 22,764 tỷ kwh, tỷ lệ tổn thất đạt 2,11%. So với cùng kỳ năm 2009, sản lượng điện tăng 13,5% và tổn thất tăng 0,48%. Tỷ lệ tổn thất tăng cao do phương thức vận hành của A0 phải huy động tối đa công suất từ miền Nam để bù đắp cho việc hạn chế thủy điện ở miền Bắc, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Cà Mau, Phú Mỹ, Trà Nóc, Ô Môn, Thủ Đức đều được huy động phát công suất cao. Tuy nhiên, do các Nhà máy nhiệt điện Cà Mau, Phú Mỹ, Ô Môn nằm tương đối xa so với các trung tâm phụ tải TPHCM, khu vực Đồng Nai, Bình Dương nên việc truyền tải một lượng công suất cao qua các đường dây dài gây tổn thất cao. Mặt khác do thời tiết nắng nóng kéo dài, hệ thống làm mát thiết bị hoạt động thường xuyên; phụ tải tăng cao trong khi khối lượng trạm và đường dây đưa vào không đáng kể.
Theo lãnh đạo Công ty TTĐ 4, lưới truyền tải miền Nam có 2 điểm khó khăn, nặng nề nhất đó là truyền tải công suất cụm Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch và truyền tải công suất cụm NMNĐ Cà Mau, Ô Môn. Do đặc điểm tình hình vận hành nguồn như trên nên các tháng đầu năm trào lưu công suất đi từ khu vực miền Tây và khu vực Phú Mỹ về miền Đông và ra Bắc nên các đường dây luôn thường xuyên mang tải cao, đầy tải và quá tải
Theo dự báo, trong các tháng tới, tình hình phụ tải sẽ tiếp tục duy trì tăng cao khoảng trên 20% so với cùng kỳ năm 2009 nên các trạm và đường dây vẫn sẽ còn tiếp tục quá tải, hàng loạt các TBA 220kV với 02 MBA 220/110kV đầy tải không có khả năng dự phòng, trong trường hợp sự cố 01 trong 02 MBA, MBA còn lại sẽ bị quá tải nặng nề.
Nhằm giải quyết triệt để vấn đề này Công ty TTĐ 4 đang khẩn trương đưa vào vận hành các dự án đầu tư xây dựng. Các dự án cấp bách như: đường dây 500kV Phú Mỹ – Song Mây – Tân Định và Trạm 500kV Sông Mây, đường dây 500kV Nhà Bè- Ô Môn, ĐD 220kV Bạc Liêu – Sóc Trăng – Ô Môn, Nhơn Trạch – Cát Lái, Nhơn Trạch- Nhà Bè; Trạm 220kV Thuận An, Xuân Lộc, Hiệp Bình phước, Bình Tân, Đấu nối 110/220kV vào NMĐ Ô Môn; Các dự án tăng cường MBA thứ 2 như Châu Đốc, Mỹ Tho, Tân Định, Cao Lãnh… Khi các công trình này chậm tiến độ Công ty TTĐ 4 đang đề nghị xem xét tăng cường thêm MBA các trạm hiện hữu như: máy 3 Long Bình, máy 3 Bình Hoà…Ngoài ra Công ty TTĐ 4 tiếp tục rà soát hoạt động của hệ thống sa thải nguồn để hoạt động sa thải đúng yêu cầu khi xảy ra sự cố.