(ĐCSVN) - Đã nhiều năm nay, người dân xã Tân Tiến (huyện Krông Pak) rất bức xúc vì hằng tháng vẫn phải trả một khoản tiền điện không nhỏ, nhưng chất lượng nguồn điện cung ứng không bảo đảm, nhất là vào mùa khô.
|
Trụ điện được dựng tạm bợ qua rẫy cà phê của các hộ dân |
Thiếu đầu tư, nâng cấp
Trạm biến áp T62 do nhân dân xã Tân Tiến góp tiền xây dựng từ năm 1997, ban đầu chỉ cung cấp điện cho gần 300 hộ dân, đến nay, đã tăng lên hơn 500 hộ dọc theo tỉnh lộ 9 (từ trạm y tế xã đến giáp ranh huyện Krông Bông), lại có bán kính cấp điện xa nhất đến trên 2.000 mét, vì thế đã dẫn đến chất lượng điện không bảo đảm. Theo ông Lê Xuân Thông, Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Tân Tiến, vào mùa khô, do nhu cầu dùng điện tưới cà phê tăng cao, nên không thể tránh khỏi tình trạng tụt áp, thiếu hoặc mất điện do quá tải.
Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng, là do đường dây đã xuống cấp, hệ thống công tơ nhiều chủng loại, đo đếm không chính xác, tổn thất điện năng lớn, dẫn đến điện áp thấp gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ông Văn Đức Cường (người dân thôn 5) cho biết: Vào mùa khô, điện áp tụt rất thấp, có khi nấu nồi cơm điện phải mất đến 2 giờ đồng hồ vẫn chưa chín. Nhiều người đành phải nấu cơm bằng bếp củi cho nhanh. Vậy mà, hàng tháng gia đình ông Đức vẫn phải trả một khoản tiền điện rất lớn, đơn cử tháng 5 vừa qua ông phải thanh toán 319.000 đồng. Cũng như gia đình ông Cường, hộ ông Võ Thuấn phải trả tiền điện trong tháng 4 gần 300.000 đồng. Ông Thuấn cho biết, gia đình chỉ dùng những vật dụng hàng ngày như tủ lạnh, ti vi, bóng đèn… và không hề dùng điện để tưới nước cho cà phê.
Được biết trong thời gian qua, HTX dịch vụ điện Tân Tiến có đầu tư, nâng cấp đường dây trần AC50 lên dây bọc ABC70, đi nhờ trụ bê tông viễn thông quân đội Viettel… thế nhưng cũng không đủ đáp ứng nguồn điện cho người dân.
Mong ngành điện sớm tiếp quản
Thực tế quan sát của chúng tôi cho thấy, hầu hết đường dây điện ở thôn 5 đều đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó, các trụ điện chỉ được làm một cách tạm bợ, chạy qua rẫy cà phê, chỉ cần một trận mưa lớn sẽ dẫn đến nguy cơ bị đổ, rất nguy hiểm đến tính mạng người dân. Tình trạng điện yếu và thiếu cũng là nguyên nhân khiến một số hộ dân ở cuối tuyến phải “nhờ điện” của xã Yang Kang (huyện Krông Bông). Tiếp xúc với chúng tôi, anh Vũ Thế Phòng, một chủ hộ dân ở đây cho hay: Vào mùa tưới nước cho cà phê, các hộ đều phải dùng đến máy nổ. Khổ nhất vẫn là lúc sử dụng máy bơm nước từ giếng lên bể chứa, mỗi lần bơm đều phải nhường nhau hoặc bơm luân phiên, nếu một lúc mà có 2 hộ cùng bơm thì điện không thể tải nổi. Đối với những gia đình đang có con đi học thì đến tầm 19 giờ phải tắt ti vi, tủ lạnh để bảo đảm đủ ánh sáng cho con học bài. Mong muốn lớn nhất của các hộ dân là ngành điện sớm tiếp quản, để bảo đảm nguồn điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho bà con.
Trước thực trạng đó, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã nhiều lần làm việc với HTX dịch vụ điện Tân Tiến về bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý, nhưng đến nay, đơn vị này vẫn chưa chấp thuận. Vào đầu tháng 6-2011, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pak đã tiến hành kiểm tra chất lượng điện, cho thấy HTX dịch vụ Điện Tân Tiến không đủ năng lực đầu tư xây dựng đường dây trung áp và trạm biến áp tại khu vực nói trên. Để bảo đảm quyền lợi sử dụng điện cho nhân dân ở khu vực cuối thôn 5, Phòng đã đề nghị đơn vị này bàn giao số khách hàng trên cho ngành điện quản lý trong thời gian sớm nhất.
Chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý đã được Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện, đây không còn là chuyện riêng của ngành điện hay của tổ chức quản lý bán điện nào, mà là mối quan tâm chung của xã hội, liên quan đến lợi ích thiết thực của nhân dân. Đây còn là cơ hội để người dân nông thôn được hưởng chính sách giá điện hợp lý, chất lượng điện bảo đảm, an toàn, ổn định. Vì vậy, các ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, hoàn thành công việc đúng thời gian quy định nhằm tăng lợi ích dùng điện cho người dân.