Đã tròn 5 năm kể từ ngày khởi công công trình, với sự cố gắng hết mình của hơn 10.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường Thủy điện Sơn La, dòng điện đã bừng sáng trên núi rừng Tây Bắc. Tổ máy 1 hoà vào dòng điện quốc gia đã khẳng định những kỳ tích của tập thể cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam. Bởi họ đã biến giấc mơ thành sự thật, đó là về đích trước hai năm so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra và làm lợi cho đất nước khoảng 1 tỷ USD.
|
Công trường Thủy điện Sơn La |
Trải qua những thời khắc quan trọng nhất
Nhớ lại thời điểm cách đây 5 năm, do tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của công trình Thuỷ điện Sơn La (tổng công suất 2.400 MW) trong hệ thống điện ở giai đoạn nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập nên đây là công trình thuỷ điện duy nhất do Quốc hội giám sát và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành khởi công, cũng là thời điểm ngăn sông Đà đợt 1.
Từ đó, có thể khẳng định: chặn dòng sông Đà đợt 3, tích nước hồ thuỷ điện Sơn La theo đúng kế hoạch là bước đi quan trọng để tổ máy số 1 (công suất 400 MW) Nhà máy Thuỷ điện Sơn La phát điện vào ngày 17/12/2010. Các chuyên gia năng lượng nhận định: có được kết quả này là sự nỗ lực không mệt mỏi của hàng chục ngàn cán bộ, công nhân nhà thầu thi công, Ban Quản lý dự án làm chủ công nghệ, thiết bị hiện đại trong lĩnh vực xây dựng thủy điện; sự đóng góp nghĩa tình của người dân 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La và Điện Biên đã khẩn trương nhường đất xây dựng công trình mang tầm vĩ đại và đặc biệt là quyết định mang tính táo bạo, chính xác và dám chịu trách nhiệm trong điều hành của Chính phủ.
Trưởng Ban quản lý dự án Nguyễn Hồng Hà cho biết, việc tích nước hồ chứa là phù hợp với tiến độ thi công các hạng mục công trình. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tính toán kỹ tác động từ việc tích nước khiến cho sản lượng khai thác từ Thuỷ điện Hoà Bình, lớn thứ hai sau Sơn La giảm 110 triệu kWh trong tháng 5. Nhưng nếu chặn dòng trong tháng 6/2010 còn chứa đựng nhiều rủi ro bởi tốc độ dâng nước ở thời điểm này nhanh có thể gây nguy cơ sạt lở vùng bờ hồ. Đồng thời, thời điểm này quá sát vào mùa lũ nên không có thời gian dự phòng cho các tình huống không lường trước. Nếu phải lùi thời điểm ngăn sông đợt 3, ngoài việc ảnh hưởng đến tiến độ phát điện tổ máy 1, việc dừng thi công đập bê tông đầm lăn trong nửa năm còn có thể gây hư hỏng cống dẫn dòng trong mùa lũ 2010 và gây nhiều khó khăn hơn cho công tác chặn dòng, tích nước hồ chứa sau đó.
Trải qua dấu mốc quan trọng đó, các hạng mục quan trọng khác của dự án đều hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng như các hạng mục chống lũ, lắp đặt thiết bị đảm bảo cho vận hành tổ máy 1, đấu nối đường dây và trạm biến áp 500kV Sơn La để kịp tiến độ phát điện lên lưới.
Dấu ấn quyết định
Tròn 1 tháng kể từ ngày tổ máy 1 chạy không tải, đúng 12h45’ ngày 17/12/2010, tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La hoà thành công vào hệ thống điện quốc gia. Hàng ngàn con tim đã từng ngẹt thở khi chứng kiến những giây phút tổ máy 1 bắt đầu chạy không tải, rồi lại vỡ oà trong niềm vui khó tả.
Ðây không chỉ là sự kiện hết sức quan trọng đối với đội ngũ những người thợ xây dựng thủy điện mà còn tạo dấu ấn quyết định cho việc hoàn thành toàn bộ 6 tổ máy vào cuối năm 2012. Đợt thi đua nước rút toàn công trường với 125 ngày đêm vừa qua là một minh chứng cho sự nỗ lực vượt bậc đó. Thời gian này, lãnh đạo, cán bộ của Ban Quản lý dự án, Tổng thầu, nhà thầu suốt ngày đêm bám sát công trường, chỉ đạo đôn đốc thi công.
Trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban Chuẩn bị sản xuất Nhà máy Thủy điện Sơn La Khương Thế Anh cho biết, chỉ sau 4 ngày hòa lưới quốc gia, tổ máy 1 đã chạy được 100% công suất. Đến ngày 6/1/2011, tổ máy đã phát lên hệ thống điện quốc gia được sản lượng 165 triệu kWh và đang trong giai đoạn chạy thử thách 30 ngày. 60 công nhân trực tiếp vận hành tổ máy được chia làm 3 ca, trực 24/24h.
Ổn định đời sống cho bà con tái định cư
Đó mục tiêu song hành với cả quá trình xây dựng công trình thuỷ điện lớn nhất nước này. Tại rất nhiều hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La, các thành viên của Ban Chỉ đạo đều thừa nhận với khối lượng cơ bản hoàn thành số hộ dân di chuyển để xây dựng công trình lớn nhất từ trước đến nay (99,84% với hơn 18.000 hộ) là một kỳ tích chưa từng có.
Trưởng bản Quỳnh Sơn, tiền thân là bản Nậm Phung, huyện Quỳnh Nhai Hoàng Văn Định hồ hởi cho biết đã gần 4 năm di dời đến nơi ở mới, người dân trong bản tái định cư nay đã có cuộc sống ổn định. Bà con cũng xác định đây là nơi an cư lập nghiệp lâu dài.
Chị Trần Thị Minh, người dân tái định cư ở phường Chiềng Sinh cũng khẳng định: đời sống người dân tái định cư của phường đang ngày càng cải thiện theo đúng tinh thần của Đảng và Nhà nước chỉ đạo là để bà con tái định cư đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.
Tuy nhiên, để cho bà con tái định cư ổn định sản xuất và nâng cao đời sống, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La đã từng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước vẫn xác định đây là việc làm lâu dài và thường xuyên, do vậy cần có những dự án căn cơ mang tính lâu dài. Vì trên thực tế còn rất nhiều hộ dân chưa được cấp đất sản xuất và Chính phủ đã phải đồng ý kéo dài thời gian hỗ trợ lương thực cho bà con tái định cư thêm 1 năm (tức là 36 tháng) để ổn định cuộc sống cho bà con trong điều kiện chưa kịp chuyển đổi đất sản xuất.
Xây dựng Thuỷ điện Sơn La là phải phát triển cả vùng kinh tế Tây Bắc. Vấn đề hiện nay đặt ra là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện, bền vững cho các điểm tái định cư và các hộ tái định cư; đồng thời hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với di dân tái định cư dự án; thay đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với vùng đất mới.
Lợi ích to lớn
Việc phát điện tổ máy số 1 đúng tiến độ không chỉ tăng khả năng phát điện tối đa của Thuỷ điện Hoà Bình với sản lượng 22 triệu kWh/ngày, mà còn bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 9,6 triệu kWh/ngày, góp phần khắc phục tình trạng thiếu công suất của hệ thống điện quốc gia vào mùa khô năm 2011, một năm được các chuyên gia năng lượng đánh giá là đặc biệt khó khăn trong việc cung cấp điện.
Cùng với phát điện tổ máy 1 đúng tiến độ, 5 tổ máy còn lại sẽ lần lượt hoàn thành, mỗi tổ máy sau 4 tháng. Và như vậy đến cuối năm 2012, khi toàn bộ 6 tổ máy đi vào vận hành, sớm trước 2 năm so với mục tiêu Quốc hội đề ra, sẽ làm lợi cho đất nước khoảng 1 tỷ USD, các chuyên gia năng lượng tính toán.
Đội trưởng Đội Tua bin máy phát- Công ty cổ phần LILAMA 10 Trần Ngọc Thanh chia sẻ: Phần việc của tổ máy số 1 đã xong, còn tổ máy 2 đang lắp tay biên cánh hướng tua bin, căn chỉnh ổ đỡ, dự kiến 15/1 tới sẽ thả Rô-to. Thành công của tổ máy 1 khiến anh em công nhân quyết tâm chạy không tải tổ máy 2 trong tháng 4/2011. “Đội đang có 100 công nhân làm việc 3 ca liên tục cộng với làm thêm giờ cho kịp tiến độ phát điện tổ máy 2. Chúng tôi tự tin về chất lượng lắp đặt và chờ mong giây phút hòa lưới điện tiếp theo của các tổ máy”, anh Thanh nói.
Trên toàn công trường Nhà máy Thủy điện Sơn La trong những ngày này có khoảng 4.000 công nhân của các đơn vị Lilama 10, Sông Đà 5, Sông Đà 7, Sotraco đang thực hiện tiếp những phần việc còn lại. Như vậy, các phần việc của các tổ máy 1, 2, 3 đã hoàn thành. Công nhân Công ty TNHH MTV Sông Đà 7 đang đổ bê tông cửa lấy nước và gian máy tổ máy 4, 5 và 6. Chuyên viên Nguyễn Khắc Long, Phòng Thi công của Công ty TNHH MTV Sông Đà 7 cho biết, công ty phấn đấu hết Tết Tân Mão 2011 sẽ xây xong khu gian 3 tổ máy còn lại.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã cận kề và công trình Thuỷ điện Sơn La lại viết thêm một bản anh hùng ca mới chào mừng Đại hội. Đây cũng là dấu ấn quan trọng để hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2012. Rồi tới đây, tổ máy số 2, số 3… rồi số 6 lần lượt phát điện, sẽ ghi thêm những mốc son mới của công trình thế kỷ. /.