Ngay từ những năm đầu thành lập, Hậu Giang dồn sức cho công tác đầu tư phát triển lưới điện nông thôn. Trên cơ sở lưới điện trung thế do Nhà nước đầu tư nhằm thực hiện chủ trương điện khí hóa nông thôn từ những năm 90, Hậu Giang từng bước phát triển lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên các khu vực trọng tâm, trọng điểm, sau đó đến các địa phương còn lại. Tính từ năm 2004 đến nay, tỉnh Hậu Giang xây dựng trên 18.500km trung thế, trên 823.000km hạ thế và 36 trạm biến áp, với tổng kinh phí xấp xỉ 100 tỉ đồng.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang Lê Chí Công cho biết: “Trong khi nguồn vốn ngân sách phân bổ đầu tư phát triển của tỉnh còn hạn hẹp, tỉnh tranh thủ từ nhiều nguồn để đầu tư phát triển lưới điện nông thôn. Năm 2007, từ nguồn vốn JBIC, tỉnh xây dựng 18,5km trung thế 1 pha, 120km hạ thế và 36 trạm biến áp, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 17 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 8,6 tỉ đồng. Hiện nay, nhiều công trình điện hạ thế được đầu tư từ ngân sách và nguồn vốn JBIC đang phát huy hiệu quả như: Công trình điện khí hóa xã Long Phú, Tân Phú, Long Trị (Long Mỹ); tuyến điện hạ thế xã Đông Phước - thị trấn Ngã Sáu (Châu Thành), tuyến điện hạ thế xã Vĩnh Trung - Vĩnh Tường (Vị Thủy); các tuyến điện hạ thế xã Lương Tâm... Ngoài ra, Hậu Giang còn thừa hưởng nguồn vốn khoảng 12 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh Cần Thơ (cũ) đầu tư các công trình điện hạ thế dở dang khi chưa chia tách tỉnh.”
Nhu cầu đầu tư phát triển lưới điện ở tỉnh là rất cần thiết, nhưng khả năng sinh lợi trước mắt còn rất hạn chế vì phần lớn là phục vụ thắp sáng và sinh hoạt. Đây chính là hạn chế lớn nhất trong đầu tư và phát triển lưới điện Hậu Giang và cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh. Chính vì vậy, mục tiêu nâng tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện trên địa bàn tỉnh đạt 95% vào năm 2010 trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2005-2010. Trong điều kiện khó khăn chung về vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của một địa phương mới chia tách, nhưng bằng sự “linh hoạt” trong đầu tư phát triển lưới điện mà 96,7% hộ dân trên địa bàn đã được sử dụng điện lưới quốc gia vượt 1,6% so với chỉ tiêu đề ra. Cùng với nỗ lực của thị xã Vị Thanh đầu tư hoàn thiện mạng lưới điện ở xã nông thôn mới Tân Tiến, tỉnh xuất ngân sách trên 3,9 tỉ đồng để hoàn thiện lưới điện ở 2 xã nông thôn mới Vĩnh Viễn (Long Mỹ) và Vị Thanh (Vị Thủy). Hiện nay, đa số hộ dân trên địa bàn 3 xã nông thôn mới này đã được sử dụng điện quốc gia. Chị La Thị Tú Anh, ấp Mỹ Hiệp 2, Tân Tiến, thị xã Vị Thanh, cho biết: “Từ trước tới giờ chỉ toàn xài điện “câu đuôi”, chỉ có đốt đèn và xem vô tuyến mà mỗi tháng trả tiền điện trên 100.000đ. Bây giờ, có điện Nhà nước mừng lắm chắc không còn cảnh điện “chập chờn”, tiền điện cũng ít hơn”.
Việc lập quy hoạch phát triển hệ thống điện trên địa bàn được chú trọng và triển khai rất sớm. Đây chính là cơ sở cho việc đầu tư phát triển lưới điện khu vực nông thôn. Nhiều công trình điện nông thôn được gấp rút triển khai và hoàn thành trong thời gian ngắn. Công ty Điện lực Hậu Giang đã đẩy mạnh việc mắc điện kế cho người dân cũng như tiếp nhận lưới điện do các hợp tác xã quản lý, nâng cấp các tuyến điện xuống cấp và xóa điện kế tổng ở khu vực nông thôn. Song, công tác lắp điện kế diễn ra chậm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương. Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang Nguyễn Viết Thọ cho biết: “Nguồn kinh phí đầu tư phát triển lưới điện có hạn, trong khi nhu cầu lắp mới điện kế cũng như nhu cầu đầu tư phát triển lưới của tỉnh mới Hậu Giang là rất lớn, vượt quá khả năng của ngành. Đây là khó khăn chung của ngành điện chứ không chỉ riêng tỉnh Hậu Giang. Nhưng thời gian qua, Công ty Điện lực Hậu Giang cố gắng tăng tốc gắn điện kế cho dân nhằm nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn trên địa bàn. Trước khó khăn về nguồn vốn, tỉnh tạm ứng ngân sách cho ngành điện thực hiện đầu tư các công trình điện bức xúc trên địa bàn. Theo đó, tỉnh tạm ứng ngân sách 32 tỉ đồng đầu tư lưới điện trung, hạ áp cho 20 xã, thị trấn anh hùng có tổng chiều dài tuyến trung thế khoảng 48km và 156km hạ thế. Hiện nay, các công trình này đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng và đang khẩn trương thực hiện phần còn lại.”
Vào những năm đầu chia tách, toàn tỉnh có khoảng 50% hộ dân sử dụng lưới điện do hợp tác xã quản lý. Trong đó khoảng 60% dân khu vực nông thôn sử dụng lưới điện hợp tác xã. Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng lưới điện hợp tác xã giảm xuống đáng kể, khoảng 30%, nhưng phần lớn các lưới điện do hợp tác xã khai thác đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về điện và các hợp tác xã cũng tính tiền điện theo giá bậc thang theo Luật Điện lực. Theo Sở Công thương Hậu Giang, việc đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn ngày càng có chất lượng, đảm bảo về giá cả cũng như chất lượng điện. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh mạnh dạn chuyển giao lưới từ hợp tác xã sang ngành điện quản lý, chỉ giữ lại những hợp tác xã thật sự đủ năng lực và hội đủ các điều kiện theo quy định của Luật Điện lực.
Ngoài những khó khăn về nguồn vốn, việc phân bố dân cư không đồng đều, không theo quy hoạch gây khó trong đầu tư lưới điện. Chẳng hạn, nhu cầu xây cất nhà của một số người dân ở khu vực nông thôn không theo các tuyến phân bố dân cư hoặc theo các trục đường giao thông mà hễ “đất ở đâu thì cất nhà ở đó”. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của địa phương cũng như sự “nỗ lực” của ngành điện và sự hưởng ứng của toàn dân, lưới điện quốc gia phủ kín địa bàn từ thị trấn, thị tứ đến các vùng nông thôn. Hậu Giang đang phấn đấu nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lên 98% vào năm 2015, trong đó tỷ lệ hộ dân sử dụng điện khu vực nông thôn chiếm khoảng 94%.