|
Công nhân Công ty Điện lực Đông Anh kiểm tra trạm biến áp cấp điện cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương |
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là một trong những đơn vị tuyến đầu, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tính tới ngày 11/5, bệnh viện đã khám sàng lọc cho hơn 2.000 lượt người nghi nhiễm và thực hiện điều trị cho 146 bệnh nhân nhiễm COVID-19.
TS. Lê Văn Dụng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian qua, hơn 200 CBCNV, y bác sỹ phải ở lại bệnh viện để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh. Việc tập trung một số lượng lớn CBCNV sinh hoạt tại bệnh viện khiến các chi phí phát sinh rất nhiều. Trong đó, tiền điện của đơn vị trong những tháng qua rất cao, bình quân khoảng 600 - 700 triệu đồng/tháng.
Trong khi chi phí cho các hoạt động phòng chống dịch rất lớn, nhưng nguồn thu của bệnh viện lại bị giảm đáng kể. Nguyên nhân là do “dồn sức” cho công tác chống dịch nên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gần như không thực hiện công tác khám chữa bệnh thông thường khác.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thuộc đối tượng khách hàng được áp dụng giảm 100% tiền điện trong 3 tháng. Dự kiến, số tiền điện mà EVN miễn giảm đối với bệnh viện lên tới khoảng 2 tỷ đồng. “Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời từ EVN, giúp chúng tôi có thêm kinh phí để thực hiện các hoạt động điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 được tốt hơn" - TS. Lê Văn Dụng cho hay.
Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đặc biệt ghi nhận tinh thần "kề vai sát cánh" của CBCNV ngành Điện trong việc đảm bảo điện. Theo TS. Lê Văn Dụng, bất cứ ai khi bước chân vào khu vực bệnh viện đều đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm COVID-19, có thể trở thành F1, F2,…, nhưng anh em công nhân ngành Điện đã rất nhiệt tình, định kỳ hỗ trợ bệnh viện bảo dưỡng đường dây sau công tơ, đảm bảo điện tuyệt đối an toàn, ổn định phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Suốt các tháng qua, tại bệnh viện không xảy ra bất kỳ sự cố nào dù chỉ là “nháy” điện, TS Lê Văn Dụng cho biết thêm.
Còn tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, thuộc Trung đoàn Bộ binh 974 (phường Vĩnh Hải, TP. Nhà Trang, tỉnh Khánh Hòa), tới cuối tháng 4/2020, đơn vị đã tiếp nhận 3 đợt với hơn 450 công dân Việt Nam trở về từ các nước và thực hiện cách ly tại đây. Việc sử dụng thêm nhiều thiết bị điện, cùng với nhu cầu sinh hoạt của các công dân cách ly tập trung khiến lượng tiêu thụ điện tại đơn vị tăng vọt. Chi phí phát sinh tăng thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng, trong khi hàng năm đơn vị được giao khoán chi phí theo chỉ tiêu nhất định. “Chúng tôi rất hoan nghênh EVN đã thực hiện miễn giảm tiền điện, chia sẻ những khó khăn với khách hàng sử dụng điện nói chung và đơn vị nói riêng. Qua đó, góp phần cùng chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 ” - Trung tá Nguyễn Ánh Dương, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 974 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 được EVN thực hiện giảm tiền điện trực tiếp trong thời gian ba tháng. Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống dịch COVID-19 (BCĐQG) - ông Đỗ Xuân Tuyên nhận định: “Sự tham gia tích cực, những đóng góp cụ thể của EVN đã chung tay cùng các cấp, các ngành tạo nên kết quả chống dịch bước đầu như ngày hôm nay”.
Ngành Điện cũng đã đáp ứng đầy đủ điện năng phục vụ công tác phòng chống dịch. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng EVN đã dồn nguồn lực để đầu tư, nâng cấp lưới điện kịp thời để cung cấp điện cho các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện “dã chiến” và các điểm cách ly tập trung mới thiết lập. Điển hình như việc kéo dây cấp điện cho Bệnh viện dã chiến tại huyện Củ Chi hay huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ trong 2 ngày, các công nhân điện đã phải làm việc cả 3 ca liên tục.
Cùng đó, các CBCNV ngành Điện ứng trực tại các địa điểm bệnh viện, cơ sở cách ly,…, cũng chịu những rủi ro dịch tễ nhất định, nhưng họ đã vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.“Có thể coi CBCNV ngành Điện như những cán bộ tuyến đầu trong phòng chống dịch” - Thứ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐQG Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận.
Và trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội, EVN đã đẩy mạnh dịch vụ điện trực tuyến, thanh toán tiền điện trực tuyến, hạn chế việc tiếp xúc giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Hiện nay, sau chỉ đạo giảm giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi. Theo EVN, nhu cầu điện đang tăng trở lại, trong đó điện sản xuất toàn hệ thống bình quân ngày trong tuần đầu tháng 5/2020 tăng 15% so với tháng 4/2020. Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, trong các tháng còn lại của năm 2020, Tập đoàn cam kết đảm bảo đủ điện cho hoạt động sản xuất khi tái hoạt động và mở rộng quy mô, cung ứng điện ổn định, liên tục cho phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ đời sống người dân.