Bộ Công Thương tổ chức họp báo để công bố thông tin chính thức về
việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, chiều 1/12
Tính toán tác động đến từng nhóm khách hàng
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết: Trong báo cáo đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương cũng đã tính toán, xem xét yếu tố tác động đến từng đối tượng khách hàng.
Cụ thể, sau điều chỉnh, mức tăng bình quân đối với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ khoảng 5,7%; nhóm khách hàng sản xuất từ 1,4 - 6,4%; khách hàng hành chính sự nghiệp khoảng 4,97%.
Riêng nhóm khách hàng sinh hoạt do áp dụng biểu giá bậc thang nên tác động của việc điều chỉnh sẽ tùy theo mức sử dụng điện của khách hàng. Cụ thể, với hộ dùng 50 kWh/tháng, mức tăng là 3.250 đồng; từ 50-100 kWh là 6.600 đồng; từ 200 kWh/tháng là 13.800 đồng; từ 300 kWh là 23.600 đồng; lớn nhất là hộ tiêu dùng từ 400 kWh/tháng trở lên, mức tăng thêm sẽ là 34.800 đồng.
Với 4,1 triệu khách hàng là hộ nghèo, hộ chính sách được Chính phủ hỗ trợ 30 kWh đầu tiên, khoản hỗ trợ tương đương mức giá mới là 51.000 đồng/tháng.
Trả lời câu hỏi với việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 6,08% liệu đã đủ thu hút được đầu tư vào ngành Điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay: Một trong những yếu tố thu hút đầu tư vào ngành Điện là giá bán lẻ điện phải được điều hành kịp thời theo cơ chế thị trường, dựa theo các thông số đầu vào như: Chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện (nhiên liệu, tỷ giá, sản lượng cơ cấu nguồn huy động); chi phí truyền tải, phân phối, bán lẻ, chi phí mua điện trên thị trường điện…
“Khi giá điện được điều hành theo cơ chế thị trường, phù hợp với yếu tố đầu vào, tin rằng chúng ta sẽ thu hút được đầu tư vào ngành Điện”, ông Tuấn khẳng định.
Vẫn đang giảm bớt áp lực tăng giá
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong 2 năm 9 tháng qua, giá điện không có sự điều chỉnh, trong khi chi phí đầu vào để sản xuất điện đã tăng rất nhiều, đơn cử như than.
Nguyên tắc tính toán cho chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác; tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành; phân tách chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, các nhà máy đã cổ phần hoá có ký hợp đồng với EVN,...
Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập - Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, năm 2016, khoản chênh lệch tỷ giá hơn 9.000 tỷ đồng của EVN chưa được tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Về vấn đề này, đại diện đơn vị kiểm toán cho biết, để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, EVN phải huy động vốn rất lớn trong khi các nguồn vốn trong nước là có hạn nên phải huy động vốn ngoại tệ.
Năm 2016, tỷ giá dù được giữ ổn định nhưng thực tế vẫn tăng so với các năm trước. “Theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và chuẩn mực kiểm toán quốc tế, khi phát sinh chênh lệch tỷ giá, ngay lập tức phải đưa vào giá thành sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Chính phủ, không thể tăng giá điện ngay lập tức được, do đó khoản chênh lệch được Bộ Tài chính đưa vào dần từng năm bằng những quyết định cụ thể” - đại diện Công ty TNHH Deloitte cho hay.
Thông tin thêm về vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong đợt điều chỉnh giá lần này cũng chỉ đưa một phần khoản chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành để giảm bớt áp lực tăng giá. “Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020, hàng năm sẽ đưa dần chênh lệch tỷ giá vào trong giá điện”, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cho biết thêm.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ nguời tiêu dùng Việt Nam VINASTAS cho hay, năm nay, đại diện bên mua điện là VINASTAS và VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cũng tham gia Tổ công tác liên Bộ về kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016. “Hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã công khai, minh bạch hơn. EVN cũng đã cải thiện rất nhiều về chất lượng và dịch vụ điện năng, trong đó, các trung tâm chăm sóc khách hàng của ngành Điện làm việc rất hiệu quả. Những kiến nghị, khiếu nại về ngành Điện đã giảm rất nhiều…” - ông Hùng cho hay.
Với những nỗ lực cải cách của EVN, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam đã tăng 32 bậc so với năm 2016, đứng thứ 64/190 quốc gia/nền kinh tế được khảo sát; vượt qua cả một số quốc gia có kinh tế phát triển như Trung Quốc, Canada, Mexico, Israel, Hungary, Romania, Ukraina - theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới.
Cũng trong năm 2017, Việt Nam là nền kinh tế có chỉ số Tiếp cận điện năng được cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực ASEAN; đạt và vượt so với yêu cầu về thứ hạng tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ; giúp cho chỉ số đánh giá chung của nền kinh tế Việt Nam tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh so với năm 2016 .