Đường dây 500 kV Quảng Ninh - Thường Tín vào vận hành: Tăng cường độ tin cậy cho hệ thống

Thứ ba, 05/01/2010 15:30

(ĐCSVN) - Đưa đường dây 500 kV Quảng Ninh - Thường Tín và Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh vào vận hành không chỉ hiện thực hóa mục tiêu truyền tải hàng tỷ kWh từ các nguồn nhiệt điện lên lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mà còn góp phần tăng cường khả năng điều hòa công suất, nâng cao độ tin cậy cho hệ thống điện quốc gia.

Đường dây 500 kV Quảng Ninh - Thường Tín và Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh là công trình trọng điểm quốc gia do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) làm chủ đầu tư và Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (AMB) được giao thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án. Theo thiết kế, đường dây 500 kV Quảng Ninh - Thường Tín có quy mô 2 mạch, dài 149 km, với 361 vị trí cột, đi qua các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Ông Đào Mộng Thạch - Phó trưởng Ban AMB cho biết: Do đặc thù là công trình đồng bộ với công trình nguồn điện, nên ngay sau khi nhận nhiệm vụ quản lý dự án, AMB đã phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện công tác thiết kế, tổ chức đấu thầu và chuẩn bị lực lượng phối hợp với các địa phương sớm triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng, mốc tuyến cho các đơn vị thi công.

Mặt khác, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, AMB đã chia tuyến đường dây thành 6 cung đoạn và giao cho 6 đơn vị thi công, gồm: Công ty Xây lắp điện 2; Công ty Xây lắp điện 4; Công ty Cổ phần Sông Đà 11; Công ty Công ty lắp máy INCO; Tổng Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam và Công ty Xây lắp điện 1. Riêng hạng mục Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh do Công ty Xây lắp điện 4 thi công phần xây dựng và Công ty Xây lắp điện 1 thực hiện lắp đặt thiết bị. Được biết, Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh, sau khi hoàn thành sẽ là trạm lớn nhất cả nước, không những về diện tích với 16 ha mà cả về các ngăn lộ xuất tuyến, gồm 2 máy biến áp 500 kV, 15 ngăn lộ 500 – 220 kV và 15 ngăn lộ 110 kV kể cả các ngăn lộ dự phòng. Tại khu vực Đông Bắc, Trạm biến áp 500kV Quảng Ninh đóng một vai trò rất quan trọng, ngoài việc kết nối tiếp nhận toàn bộ điện của các nhà máy nhiệt điện, trạm còn là điểm nút, tham gia điều hòa cho hệ thống lưới điện tuyền tải.

Được khởi công từ Quý 3/2006, và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008, song trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị thi công đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, khiến dự án phải kéo dài đến thời điểm hiện nay. Chúng tôi đến xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đúng dịp Công ty CP Xây lắp điện 1 đang thực hiện kéo dây qua vườn cây của các hộ dân. Ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ nhiệm công trình cho biết: CBCNV làm việc hết sức vất vả, nhưng khó khăn nhất vẫn là vấn đề đền bù hoa màu của dân. Một cây quất dù to, hay nhỏ, dù không phải là mùa có quả vào giáp tết, nhưng người dân vẫn đòi bồi thường đến 300 - 400 ngàn/cây. Một số hộ dân ở khu vực khác dựng nhà tạm, gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng công trình, đòi tiền đền bù vượt quá quy định của Nhà nước. Để từng bước tháo gỡ vướng mắc, NPT đã cử cán bộ lãnh đạo Tổng công ty “cắm chốt” ngày đêm bám sát hiện trường, cùng với lãnh đạo địa phương gặp gỡ, bàn bạc với dân, giải quyết tại chỗ mọi vướng mắc phát sinh, tại nhiều địa phương, lãnh đạo chính quyền các cấp đã cùng NPT, AMB vào cuộc một cách quyết liệt, tăng cường vận động, thuyết phục nhân dân; từng bước tháo gỡ bất cập trong chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng; khắc phục sự thiếu đồng bộ trong việc điều chỉnh mức giá đền bù, giải quyết hài hòa lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, địa phương và người dân, theo nguyên tắc hợp lý, bảo đảm công bằng, minh bạch và tính nghiêm minh của pháp luật. Sau mỗi lần giải quyết ổn thoả việc giải phong mặt bằng ở địa điểm nào thì tổ chức lực lượng thi công xử lý dứt điểm ngay vị trí đó.

Theo ông Đào Mộng Thạch, đường dây 500 kV Quảng Ninh - Thường Tín sau khi hoàn thành sẽ tập trung truyền tải của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh với công suất 1200 MW, Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả với công suất 600 MW và Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương với công suất 1200 MW để hoà vào hệ thống điện Quốc gia. Mặt khác tăng cường, điều hoà công suất, đảm bảo độ tin cậy cao nhất của cả hệ thống điện, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống. Hiện các đơn vị đã huy động tối đa lực lượng thi công để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, phấn đấu đưa công trình vào vận hành chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành Điện Việt Nam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực