|
Đến năm 2022, EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số. |
Trưởng Ban Viễn thông & Công nghệ thông tin (VT&CNTT) Tập đoàn - ông Nguyễn Xuân Tuấn cho rằng, việc hiểu về khái niệm và triển khai chuyển đối số tại EVN cần linh hoạt gắn theo từng lộ trình cụ thể.
Hiện nay, mục tiêu đề xuất của EVN trong chuyển đổi số là làm chủ được công nghệ, sở hữu hệ thống CNTT hiện đại, có đội ngũ chuyên môn cao, đủ năng lực triển khai các ứng dụng phục vụ nhu cầu quản lý điều hành, kinh doanh, chăm sóc khách hàng trở thành doanh nghiệp số hàng đầu Việt Nam. Đến năm 2022, EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và vận hành theo mô hình doanh nghiệp số.
Chuyển đổi số tại EVN sẽ tập trung trong một số lĩnh vực, với các mục tiêu trọng tâm gồm: lĩnh vực quản lý kỹ thuật, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng và quản lý dự án, hạ tầng VT&CNTT.
Ngoài ra, các đơn vị, các Ban chuyên môn đã có các ý kiến trao đổi, góp ý cụ thể. Trong đó, một số ý kiến tập trung về việc cần đánh giá rõ hiện trạng tình hình số hóa trong Tập đoàn để có các giải pháp, tiến độ chi tiết, mục tiêu – chỉ tiêu chuyển đổi số khả thi; tính hiệu quả và thước đo hiệu quả của việc chuyển đổi số; chuẩn bị nhân sự…
Theo Phó Tổng giám đốc EVN - ông Võ Quang Lâm, việc chuyển đổi số cần triển khai thống nhất và quyết liệt từ cấp Tập đoàn tới các đơn vị thành viên EVN. Đồng thời, cần bắt tay ngay vào việc nâng cao nhận thức cho các CBCNV và xây dựng, áp dụng quy trình công việc khi chuyển đổi số. Tập đoàn cũng cần chọn ra 1 số lĩnh vực làm được ngay, có hiệu quả thiết thực để nhanh chóng chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân nhấn mạnh, nhận thức của mỗi CBCNV về chuyển đổi số là rất quan trọng. Mỗi CBCNV cần hiểu rõ: vì sao EVN phải chuyển đổi số, mục tiêu khi thực hiện kế hoạch chuyển đổi số là gì? cần có định nghĩa chuyển đổi số trong trường hợp cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với nội hàm được diễn giải rõ ràng, để mỗi CBCNV có thể thực hiện công việc đúng định hướng.
Tổng Giám đốc chỉ đạo, kế hoạch chuyển đổi số của Tập đoàn phải có tính tổng thể, hệ thống, logic. Khi xây dựng kế hoạch, cần lấy ý kiến từ các đơn vị để đảm bảo tính phù hợp thực tế khi triển khai công việc. Đồng thời, phải đề ra các công việc, đề án chuyển đổi số cụ thể, với quy mô, phạm vi và tiến độ chi tiết…
EVN sẽ ưu tiên các lĩnh vực cấp thiết, có hiệu quả cao để triển khai chuyển đổi số trước. Đồng thời, Tập đoàn cần có định hướng chuyển đổi số lâu dài, không chỉ dừng lại ở các mục tiêu cụ thể 2022.
Tổng giám đốc EVN cũng yêu cầu phải xem xét cả các nguy cơ, rủi ro khi triển khai chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số cần đảm bảo tác động tích cực cho hoạt động quản trị, SXKD của EVN phát triển tốt, đảm bảo mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc trong toàn Tập đoàn./.