EVN: Chuyển đổi số - “chuyển đổi nhận thức” của người lao động

Thứ tư, 11/08/2021 18:00
(ĐCSVN) - “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lựa chọn làm chủ đề của năm 2021”. Để chuyển đổi số thành công, bên cạnh các yếu tố về công nghệ, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) xác định trước hết là “chuyển đổi nhận thức” của người lao động.
VNGENCO 1 là một trong các đơn vị trực thuộc EVN vinh dự nhận Giải thưởng "Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc" năm 2020.  

Xu thế tất yếu

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong mỗi doanh nghiệp. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh kế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cho thấy, chuyển đổi số đã giúp thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp cần liên tục cập nhật, liên tục học hỏi theo cái mới, cái hiện đại và phải chấp nhận cả thất bại bên cạnh những thành công của sự đổi mới đem lại.

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là: tăng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí vận hành, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, tối ưu hoá được năng suất lao động của nhân viên… Tất cả những yếu tố này cuối cùng đều giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp sau khi triển khai công tác chuyển đổi số.

Bắt nhịp cùng với xu hướng phát triển chung và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp số 4.0 đồng thời thực hiện định hướng của EVN, EVNGENCO 1 đã xây dựng Đề án chuyển đổi số, với mục tiêu tổng quát nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng, giá trị thương hiệu Tổng công ty/đơn vị cũng như nâng cao sự hài lòng của người lao động, tăng cường khả năng thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường của Tổng công ty trong tình hình mới nhất là khi thị trường phát điện cạnh tranh đã và đang phát triển ở Việt Nam.

Với mục tiêu đó, trong những năm qua EVNGENCO 1 luôn ý thức được sức mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0 với việc liên tục ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ phục vụ trực tiếp quá trình sản xuất điện có chức năng lớn như giám sát thu thập số liệu vận hành, điều khiển quá trình sản xuất điện, tối ưu hóa quy trình sản xuất điện, cảnh báo đảm bảo an toàn vận hành sản xuất điện... Năm 2020 Tổng công ty vinh dự là 1 trong 9 đơn vị của EVN được vinh danh trong lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam.

Chuyển đổi số tại EVNGENCO 1 là quá trình chuyển đổi các hoạt động chưa được số hoá trở thành được số hoá, các hoạt động còn thủ công, chưa tự động chuyển thành tự động; đồng thời áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu tại Tổng công ty.

Chuyển đổi số phải được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện trên mọi mặt hoạt động của Tổng công ty (từ công tác quản trị, điều hành của Ban lãnh đạo; công tác thừa hành trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của các Ban/Đơn vị đến từng người cán bộ công nhân viên, người lao động trong Tổng công ty) trên cơ sở phân kỳ, ưu tiên cho các lĩnh vực nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty. Việc triển khai phải đi vào thực chất, bắt đầu từ các việc đơn giản trong hoạt động tác nghiệp hằng ngày.

Nằm trong định hướng chung của EVN, EVNGENCO1 cũng định hướng trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động nhằm đưa EVNGENCO1 trở thành một doanh nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.

Thay đổi nhận thức của người lao động

Ông Trần Doãn Thành - Chủ tịch Công đoàn EVNGENCO 1 cho biết, hiện Tổng công ty đã và đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên để Chuyển đổi số thành công thì trước tiến phải “chuyển đổi nhận thức” của người lao động.

Chuyển đổi số thực chất là quá trình thay đổi, không chỉ về hạ tầng vật chất mà còn phải thay đổi về ý thức của con người. Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020) cũng nêu rõ quan điểm "chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức"; "nhận thức đóng vai trò quyết định và người dân là trung tâm của chuyển đổi số". Nhiệm vụ đầu tiên để thực hiện chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ chuyển đổi về nhận thức.

Cũng theo ông Trần Doãn Thành, trước tiên nhận thức của người lao động cần phải thay đổi, mọi người phải nhận thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc chuyển đổi số. Người lao động phải nhận thức được nếu họ không thay đổi không chủ động nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận công nghệ mới thì sẽ không đáp ứng được công việc và như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc làm, thu nhập của chính bản thân người lao động.

Cuối năm 2019, các chuyên gia đưa ra nhận định: Chuyển đổi số sẽ tác động đến cơ cấu việc làm. Các số liệu của Microsoft đã chỉ ra rằng, trong vòng 3 năm nữa, 85% các công việc sẽ phải thay đổi, nhiều công việc đòi hỏi người lao động phải tự đào tạo để nâng cao kỹ năng số, 26% là công việc mới do chuyển đổi số mang lại, 27% công việc sẽ biến mất trong tương lai.

Bởi vậy, nếu không có những thay đổi nhanh chóng trong thích nghi và thay đổi, doanh nghiệp và người lao động Việt sẽ nhanh chóng bị để lại phía sau.

Chuyển đổi số sẽ chuyển đổi mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội, trong đó có lao động. Theo đó, cả người lao động và người sử dụng lao động cũng phải được chuyển đổi theo để có thể thích nghi tốt nhất có thể được. Doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số. Và người lao động cũng phải thay đổi cách làm trước nay để có thể thích nghi.

Tuy nhiên trong trong sự chuyển đổi này, người lao động sẽ không đơn độc, Lãnh đạo Tổng công ty/đơn vị, tổ chức Công đoàn các cấp sẽ luôn đồng hành cùng với người lao động trong việc xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ cũng như các vấn đề cốt lõi về chuyển đổi số để người lao động có thể ứng dụng công nghệ trong giải quyết công việc”- ông Trần Doãn Thành chia sẻ.

Chuyển đổi số tại Tổng công ty, bao gồm nhiều lĩnh vực: Quản lý kỹ thuật, đầu tư xây dựng, văn phòng, tài chính, con người..., Trong đó người lao động là một phần của chuyển đổi số và không thể tách rời. Chuyển đổi số người lao động sẽ giúp cho doanh vận hành tốt hơn, công cuộc chuyển đổi số sẽ dễ dàng và diễn ra suôn sẻ hơn vì ai cũng nhìn thấy những lợi ích mà mình có được./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực