Sau 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Đến hết tháng 9/2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã. Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí, đồng thời đã có 93 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tại Lễ tuyên dương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì những đóng góp xuất sắc trong việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020.
Trong 10 năm triển khai thực hiện chương trình, EVN luôn nỗ lực cung cấp đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn đáp ứng Tiêu chí số 4 về điện trong Chương trình nông thôn mới (NTM). EVN xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, đóng góp hiệu quả trong Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
EVN và các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương, xây dựng kế hoạch đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng mới phát triển lưới điện. Các đơn vị của EVN cũng đã phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các địa phương bố trí kết hợp với các nguồn vốn từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn vay ưu đãi và các nguồn lực khác để thực hiện chương trình. Cùng với đó, EVN đã vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tiêu chí số 4 của nông thôn mới về điện bằng các công việc cụ thể như đóng góp phần đền bù, tự giải phóng mặt bằng khi đầu tư xây dựng các công trình điện, tham gia thực hiện bảo vệ hành lang lưới điện và các công trình điện, đầu tư hệ thống điện gia đình đảm bảo sử dụng điện an toàn. Đặc biệt, các đơn vị Điện lực thường xuyên thực hiện tuyên truyền, nâng cao kiến thức và hiểu biết về sử dụng điện trong nhân dân, đảm bảo sử dụng điện an toàn và hiệu quả đáp ứng yêu cầu, mục tiêu tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch phê duyệt tại Quyết định số 6286/QĐ-BCT, Quyết định 10826/QĐ-BCT ngày 8/10/2015, Quyết định 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Trước đây, từ những năm thập kỷ 90, lưới điện nông thôn được xây dựng đa số không đủ các yêu cầu về kỹ thuật an toàn, chất lượng cung cấp điện. Từ năm 2008, theo yêu cầu của các địa phương, công tác chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức quản lý điện nông thôn không đủ năng lực quản lý đã diễn ra mạnh mẽ trên cả nước, từ chỗ chỉ quản lý bán điện trực tiếp tại 2.126 xã, trong hơn 10 năm qua EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại gần 6.000 xã, đến nay EVN đang quản lý bán điện tại 8.122 xã chiếm tỷ lệ 92% số xã và hơn 93% hộ dân. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của tất cả các xã, các Tổng công ty Điện lực đều phải tiến hành sửa chữa cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện để vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục tới các hộ dân với chi phí cải tạo tối thiểu bình quân 1,2 - 1,5 tỷ đồng/xã. Tổng chi phí cải tạo tối thiểu lưới điện sau tiếp nhận là hơn 8.000 tỷ đồng.
Để lưới điện nông thôn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chí số 4, mỗi xã cần từ 5-10 tỷ đồng, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Đứng trước khó khăn thách thức đó, EVN đã tìm kiếm, làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài, sử dụng các nguồn vốn vay ODA, nguồn vốn của EVN bên cạnh nguồn lực chính là nguồn vốn Ngân sách cấp để thực hiện Chương trình. Tổng số vốn đầu tư của EVN cho lưới điện phân phối cung cấp điện cho khu vực nông thôn trong 10 năm hơn 89.200 tỉ đồng. Trong đó, riêng nguồn vốn vay ODA của các tổ chức quốc tế khoảng 63.300 tỉ đồng (tương đương 3 tỉ USD).
|
|
Bên cạnh việc cải tạo nâng cấp lưới điện của các vùng nông thôn trên đất liền, việc đáp ứng Tiêu chí số 4 về điện trong chương trình Nông thôn mới tại khu vực hải đảo trong giai đoạn 2010-2019 cũng được EVN đặc biệt quan tâm. Đến nay, EVN đã thực hiện tiếp nhận và quản lý bán điện tại 11/12 huyện đảo. Sau khi tiếp nhận và bán điện trực tiếp trên các huyện đảo, EVN đã đầu tư nguồn và lưới điện trên huyện đảo, tăng giờ phát điện thay vì 6 giờ/ngày lên 24/24h và thực hiện bán điện cho các hộ dân trên đảo theo giá quy định của Chính phủ.
Kết quả, trong 10 năm (2010-2019), tỷ lệ số xã có điện đã tăng từ 98,69% (năm 2010) lên 100% (năm 2018) và số hộ dân có điện sử dụng điện tăng hơn 8,4 triệu hộ từ 97,31% tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47% tương ứng 27,41 triệu hộ (6/2019). Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29% tương ứng 13,26 triệu hộ (năm 2010) lên 99,18% tương ứng 16,98 triệu hộ (6/2019), cấp thêm cho hơn 3,72 triệu hộ dân nông thôn có điện lưới. Mức độ phủ điện ở Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực Philippine 93%, Indonexia 98,1%, Ấn Độ 92,6%, Lào 93,6%.
Tới ngày 30/6/2019, có 8.072/8.902 xã đạt Tiêu chí số 4 chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với thời điểm năm 2015.
Việc tiếp nhận quản lý bán điện trực tiếp tới hộ dân và đầu tư phát triển điện nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện nông thôn từ mức độ chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ở mức cơ bản như phục vụ ánh sáng sinh hoạt và một phần sản xuất nhỏ đã tăng lên đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt và phát triển sản xuất với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, du lịch, nâng cao thu nhập đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực nông thôn./.