|
Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến do Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn chủ trì. Ảnh evn.vn |
Trong tháng 7 và tuần đầu tháng 8, công tác sản xuất, cung ứng điện của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh. Tính đến nay, toàn quốc có 23 tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhu cầu điện sinh hoạt tăng trưởng cao do miền Bắc, miền Trung phải trải qua giai đoạn thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
Toàn Tập đoàn đã cơ bản đảm bảo cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là phục vụ đắc lực cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị sản xuất điện của Tập đoàn cũng rất chủ động trong công tác "3 tại chỗ" (làm việc, ăn, nghỉ tập trung tại nhà máy, phân xưởng) để đảm bảo công tác sản xuất không bị gián đoạn.
Theo Ban Kế hoạch EVN, tổng lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong tháng 7 vừa qua đạt trên 23,95 tỷ kWh. Điện thương phẩm toàn Tập đoàn trong tháng 7 khoảng 20,55 tỷ kWh, đạt trên 105% so với cùng kỳ 2020. Trong tuần đầu tháng 8, đã xảy ra đợt nắng nóng gay gắt diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, khiến nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC), sản lượng tiêu thụ điện bình quân của toàn miền Bắc trong tuần từ 31/7 đến 6/8 ở mức 379 triệu kWh/ ngày, cao hơn tới 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, theo EVNNLDC, hiện nay, dù đã gần kết thúc mùa lũ chính vụ tại miền Bắc, nhưng lượng nước về các hồ thuỷ điện rất thấp. Mức nước các hồ thuỷ điện lớn đều ở ngưỡng thấp là một trong những khó khăn lớn có thể ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện từ nay đến cuối năm, cũng như trong năm 2022.
Tại cuộc họp, Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh: Các đơn vị thành viên tiếp tục nỗ lực đảm bảo mục tiêu kép, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời không để gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng. Trong tháng 8, các nhà máy điện sẽ được huy động trên cơ sở tối ưu đồng thời thủy điện - nhiệt điện; huy động thủy điện theo nước về, vừa đảm bảo cấp nước hạ du cho các địa phương. Các nhà máy điện nâng cao độ khả dụng, đảm bảo hoàn thành công tác sửa chữa theo đúng kế hoạch.
Hiện nay, khối các tổng công ty điện lực/công ty điện lực cũng đã và đang khẩn trương thực hiện giảm giá điện đợt 4 cho những khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Theo ước tính sơ bộ, tổng số tiền giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 4 này khoảng 2.500 tỷ đồng. Mặc dù EVN cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng Tập đoàn đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành để cho phép thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện trong 4 đợt với tổng số tiền là hơn 16.300 tỷ đồng./.