Ngày 21/12/1954, chỉ sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô, dù rất bận, Hồ Chủ tịch đã tới thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ, ghi đậm mốc son lịch sử và ngày 21-12 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.
|
Tập thể cán bộ, công nhân viên ngành Điện lực, nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn. |
Kể từ đó, quá trình xây dựng và phát triển của ngành Điện đã gắn liền với quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Tập thể cán bộ, công nhân viên ngành Điện lực, nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đất nước và nhân dân giao phó, lập được nhiều thành tích lớn lao đáng tự hào, giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế đất nước và đời sống xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng, phát triển Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
EVN hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo của mình
Với sự năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất kinh doanh, trong nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Sản lượng điện hàng hoá cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, tăng từ 85,4 tỷ kWh năm 2010 lên mức 209,77 tỷkWh năm 2019; điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2019 ước đạt 2.174,2 kWh/người/năm, tăng 2,21 lần sovới năm 2010 (982,7kWh/người/năm).
Đặc biệt, Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào phát điện dự án Thủy điện Sơn La sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, dự án Thủy điện Lai Châu vượt trước 1 năm so với quy hoạch. Với công suất 2.400MW, Công trình thủy điện Sơn La trở thành công trình thủy điện lớn nhất ĐôngNam Á, là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường,sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của Tập đoàn.
Về lưới điện: Đã đóng điện nhiều công trình lưới điện trải dài trên địa bàn cảnước, từ các thành phố đến các vùng sâu, vùng xa. Giai đoạn 2010-2019, hoàn thành đóng điện 1.936 công trình lưới điện từ 110-500 kV với tổng chiều dài đường dây 8.290 km, tổng công suất các trạm biến áp 26.123MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam giữ vai trò duy nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo. Kết quả tới năm 2019, có 8.072/8.902 xã đạt Tiêu chí số 4 chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với thời điểm năm 2015. Đồng thời, Tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc thực hiện các dự án đẩy mạnh hơn chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Thực hiện tốt nghị Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ chính trị, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng CMCN 4, năm 2018, Tập đoàn đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN” với mục tiêu xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, làm tốt các công tác xã hội...
Việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Tập đoàn được thực hiện đồng bộ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và Nghị quyết Trung ương 4(khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Công tác xây dựng Đảng về tổ chức, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của doanh nghiệp theo Quy định 69-QĐ/TW của Ban Bí thư cũng được Tập đoàn thực hiện với quyết tâm chính trị cao, bước đầu đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế. Đổi mới toàn diện công tác cán bộ, theo phương châm công tác cán bộ là "then chốt của then chốt". Do đó côngtác cán bộ có chuyển biến tích cực và ngày càng đi vào nền nếp. Đồng thời công tác kiểm tra, giảm sát, kỷ luật Đảng được coi trọng, có nhiều đổi mới, thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả hơn. Cạnh đó công tác dân vận được gắn liền với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nên đã tiếp tục phát huy được vai trò giám sát, phản biện, tích cực góp phần tham gia xây dựng Đảng bộ trong Tập đoàn ngày càng trong sạch, vững mạnh. Vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong doanh nghiệp ngày càng được khẳng định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng rất quan tâm thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội có nghĩa thiết thực. Giai đoạn 2010 - 2019, toàn Tập đoàn đã đóng góp, hỗ trợ các công trình và thực hiện tốt nhiều hoạt động an sinh xã hội với tổng giá trị gần 960 tỷ đồng. Hỗ trợ, ủng hộ xây dựng gần 1000 nhà tình nghĩa, nhiều công trình trường học ở nhiều địa phương trên cả nước; Hỗ trợ, ủng hộ chính quyền và bà con nhân dân khắc phục hậu quả ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt ở nhiều địa phương. Ủng hộ nhiều vật tư, trang thiết bị thiết yếu phục vụ quân và dân trên các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Thực hiện các hoạt động phụng dưỡng trên 100 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ người nghèo, ủng hộ gia đình và các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng; Thăm hỏi và tặng quà cho nhiều thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ ở nhiều địa phương...
EVN thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh
Từ năm 2004, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đẩy mạnh công tác cổ phần hoá. Qua hơn 16 năm thực hiện, Tập đoàn đã hoàn thành cổ phần hoá và chuyển thành công ty cổ phần được 32 đơn vị, bao gồm 08 công ty phát điện, 01 công ty phân phối điện và 23 công ty, đơn vị thuộc khối phụ trợ, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng.
Tập đoàn đã mạnh dạn nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc chuyển 20 đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập; các đơn vị được quyền chủ động về tài chính cũng như quyết định và chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, trước pháp luật; được phân cấp mạnh hơn, chủ động hơn trong công tác lập và triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường. Trong đó Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Namgiữ vững vai trò trung tâm để phát triển; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ để ngành Điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả cao. Đầu tư lưới điện đồng bộ với nguồn điện và cung cấp cho các phụ tải, đảm bảo những vùng phụ tải quan trọng đạt tiêu chí N-2, lưới điện 220kV đáp ứng được tiêu chí N-1 đến năm 2025 và lưới điện 110kV trở lên đáp ứng được tiêu chí N-1 đến năm 2030.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc đạt được trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều hình thức khen thưởng và các danh hiệu thi đua cao quý như: Cờ thi đua củaChính phủ năm 2015,2016; Huân chương Hồ Chí Minh năm 1996, 2014; Huân chương Sao vàng năm 2014; Huân chương Lao động hạng nhất năm 2015, 2019; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015; 2018, 2019; 26 tập thể và 09 cá nhân thuộc Tập đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động. Nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn được tặng Cờ thi đua,Bằng khen, Huân Huy chương và nhiều danh hiệu thi đua cao quý khác...đặc biệt,Tập đoàn đã vinh dự là một trong 28 tập thể được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" thời kỳ đổi mới giai đoạn 2009 – 2019./.