Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN phát biểu tại buổi làm việc.
Thiện cảm với EVN ngày càng tốt hơn
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, những năm gần đây, EVN đã thực sự “vượt qua chính mình”. Trong đó, phải kể đến chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện đứng thứ 27/190 quốc gia/nền kinh tế, vượt qua cả những nước OECD – những quốc gia phát triển nhất thế giới.
Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 vào cuối năm 2018. Điều này cho thấy Tập đoàn chủ động đổi mới trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng (KD&DVKH), mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện.
Cùng quan điểm đó, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng EVN đã đạt được những kết quả rất tuyệt vời trong 5 -7 năm qua, thể hiện trên nhiều phương diện như: Tổn thất điện năng giảm mạnh, chỉ số tiếp cận điện năng tăng nhanh; công tác điện nông thôn trở thành hình mẫu trên thế giới,...
Còn điều ấn tượng nhất với TS. Ngô Trí Long là chất lượng điện đã được cải thiện rõ rệt. Khách hàng có điện sử dụng liên tục, an toàn, ổn định. Nếu có sự cố, chỉ cần gọi điện là nhanh chóng có người đến xử lý không kể đêm hay ngày, mưa gió hay giá rét. Dù vậy, TS. Ngô Trí Long cũng lưu ý, dù EVN đã làm rất tốt nhưng phải lưu ý không để xảy ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, gây ảnh hưởng đến uy tín của Tập đoàn.
Là thành viên của đoàn công tác liên ngành kiểm tra giá thành sản xuất điện của EVN trong những năm gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, khiếu nại của người tiêu dùng đối với Điện lực hiện đã giảm hẳn so với trước đây. “Chất lượng phục vụ đã tốt hơn, thời gian mất điện giảm mạnh, các tổng công ty đều có những Trung tâm CSKH làm việc chuyên nghiệp. Tập đoàn hiện giờ cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghê” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Còn TS. Nguyễn Đức Thành thì cho rằng, những thành tựu của EVN là không thể phủ nhận. Ông ấn tượng với việc EVN đã tiết giảm được rất nhiều chi phí trong sản xuất bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ như: Công tơ điện tử đo xa, thu tiền điện qua ngân hàng, chỉ số tiếp cận điện năng…
Các chuyên gia cũng khuyến nghị Tập đoàn cần truyền thông rộng rãi hơn nữa để cộng đồng hiểu được những nỗ lực của toàn Tập đoàn.
Để EVN làm tốt hơn…
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay Việt Nam vẫn còn bao cấp giá điện, nên nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ tiêu hao nhiều điện năng, đặc biệt là ở các lĩnh vực sắt, thép. Do đó, Việt Nam nên bỏ bao cấp giá điện, chấp nhận giá điện cao hơn để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh tiết kiệm điện, bởi ngành Điện đang phải “cõng” gánh nặng cho các ngành tiêu hao nhiều điện năng.
“Nhật Bản chỉ cần 1 đơn vị điện để sản xuất ra 1 GDP, trong khi đó Việt Nam cần 2 đơn vị điện cho 1 GDP, rất lãng phí” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Từ năm 2019, EVN sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, do nguồn điện không còn dự phòng, hơn nữa cũng không có nhiều nguồn điện mới được đưa vào vận hành trong những năm tới. Việc đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân không thể chỉ là trách nhiệm riêng của EVN, mà còn phải tính đến trách nhiệm của các doanh nghiệp cung ứng điện khác - theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Tập đoàn hiện chỉ sở hữu khoảng 60% nguồn điện của toàn hệ thống, bao gồm cả những doanh nghiệp đã cổ phần của mình. Do đó, để giải tỏa được áp lực về nguồn cung trong thời gian tới, Nhà nước cần phải điều chỉnh, thay đổi chính sách về giá điện sao cho hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này; đồng thời, tạo động lực để các doanh nghiệp sản xuất sử dụng điện tiết kiệm – hiệu quả, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.
Đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, nếu ví ngành Điện Việt Nam là một cơ thể thì EVN là xương sống, nhưng không có nghĩa EVN phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cơ thể đó. EVN có trách nhiệm đảm bảo điện, nhưng Tập đoàn chỉ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về khâu truyền tải và phân phối, còn khâu phát điện là trách nhiệm của cả các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khác...
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng bày tỏ sự chia sẻ với những đặc thù riêng của EVN. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Tập đoàn đang phải “gánh” nhiều trách nhiệm không phải của một doanh nghiệp, như việc cung cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa với chi phí lớn trong khi nhu cầu sử dụng điện thực tế thường thấp.
Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, EVN cần kiến nghị Nhà nước có chính sách giá hợp lý để phát triển năng lượng tái tạo ở những khu vực khác nhau trên cả nước, tránh nhà đầu tư tập trung ở cùng một khu vực, gây nên sự quá tải cho lưới điện; cần cơ chế đối với những lĩnh vực tiêu hao nhiều điện năng, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhất là các ngành sắt, thép, xi măng,…
EVN đã và đang ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí quản lý, vận hành
Những con số ấn tượng
Trao đổi với các chuyên gia, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết, đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, EVN đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Riêng năm 2018, sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 193 tỷ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017; đây là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực.
“Đặc biệt, nếu năm 2013, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng thứ 157/190 quốc gia/nền kinh tế, thì năm 2018 Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và đạt mục tiêu vào nhóm ASEAN 4 trước hai năm theo yêu cầu của Chính phủ”, ông Trần Đình Nhân cho hay.
Chỉ tiêu tổn thất điện năng của EVN cũng đã giảm mạnh, từ 10,15% (năm 2010) xuống còn 6,83%, đứng thứ 3 trong khối ASEAN và cao hơn nhiều nước phát triển như: Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…
Cũng theo ông Trần Đình Nhân, những năm vừa qua, EVN cũng đã đẩy manh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác sản xuất, kinh doanh như: Tự động hóa lưới điện; điều khiển xa, TBA không người trực; ứng dụng công tơ điện tử… Qua đó, vừa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa tăng năng suất lao động. Từ năm 2013 đến nay, EVN đã không tuyển thêm lao động, với mức tăng năng suất lao động bình quân đạt 11%/năm.
EVN và các đơn vị trực thuộc cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản trị doanh nghiệp và kiểm soát hiệu quả chi phí, cắt giảm, tiết kiệm chi phí thường xuyên bình quân 7,5%/năm.
Tiếp thu những đóng góp quý báu của các chuyên gia cao cấp, ông Trần Đình Nhân mong rằng, thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong định hướng phát triển của Tập đoàn, để EVN tiếp tục phát triển bền vững, cung cấp điện ổn định, tin cậy, chất lượng cao phục vụ nền kinh tế.