Hệ thống pin NLMT trên nóc trụ sở Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - 304 Kim Mã, Hà Nội
Khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch
Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời (NLMT) ở Việt Nam dao động từ 4,3 - 5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng cao, đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm.
Dù tiềm năng rất lớn, nhưng việc khai thác nguồn NLMT ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện nay, cả nước mới có 3 dự án nhà máy điện mặt trời đang xây dựng, 2 trong số đó là do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân đầu tư tại Quảng Ngãi và Ninh Thuận, nhà máy còn lại do Công ty TNHH DooSung Vina đầu tư tại Bình Thuận. Một số nhà đầu tư nước ngoài như: Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ... cũng đã đăng ký đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời ở Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Hậu Giang....
Vừa qua, HĐTV EVN đã phê duyệt Nghị quyết về việc định hướng nghiên cứu phát triển điện mặt trời, nhằm bổ sung nguồn điện xanh, sạch cho đất nước; trên cơ sở đó, so sánh đánh giá và xác định chi phí hợp lý và hiệu quả của dự án điện mặt trời, làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời, năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Theo đó, EVN sẽ tập trung nghiên cứu phát triển một số dự án nhà máy điện mặt trời tại các địa phương có tiềm năng thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam Bộ. Trong đó, Tập đoàn ưu tiên lựa chọn các địa điểm gần hoặc thuộc phạm vi địa giới các nguồn điện hiện có của EVN; xem xét đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước tại các hồ chứa thủy điện và trên quỹ đất thuộc vành đai bảo vệ và vận hành công trình thủy điện, tạo thuận lợi cho đấu nối lưới điện, giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và hạn chế những phát sinh lớn về lực lượng quản lý vận hành khi các dự án đi vào hoạt động...
Trước mắt, EVN sẽ triển khai nghiên cứu phát triển 2 dự án điện mặt trời, một dự án trên đất liền tại Thủy điện Trị An (tỉnh Đồng Nai) và một dự án nổi trên mặt nước tại hồ Thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận).
Ngoài ra, EVN cũng vừa đề xuất với tỉnh Ninh Thuận về việc đầu tư Dự án NLMT với công suất 200 MW, trên diện tích 400 ha tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Dự kiến, dự án có tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, khởi công trong năm 2018 và đến năm 2019 sẽ đi vào hoạt động.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Ninh Thuận, đây là hướng đầu tư bền vững và phù hợp với cam kết cắt giảm khí thải của Việt Nam, đồng thời giúp Ninh Thuận hiện thực hóa ý tưởng trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Qua kiểm tra địa điểm do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất, tỉnh Ninh Thuận nhận thấy, đây là địa điểm hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để phát triển các dự án điện mặt trời phù hợp, hiệu quả.
Cần sự hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù
Đánh giá về chủ trương phát triển điện mặt trời của EVN, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, đây là một chủ trương đúng và rất đáng được hoan nghênh, bởi hiện nay việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có NLMT là xu hướng toàn cầu, nhằm bảo toàn các nguồn năng truyền thống và giảm tác động ô nhiễm môi trường. NLMT cũng là nguồn năng lượng sạch, tái tạo và dễ sử dụng.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 của EVN tổ chức vào tháng 1/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (khi đó giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ) cũng đã yêu cầu EVN phải đi đầu trong việc đầu tư năng lượng tái tạo, đặc biệt là NLMT. “Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển NLMT và EVN hoàn toàn có năng lực để đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng này”, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với việc đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam là giá thành sản xuất cao, do chi phí đầu tư, khai thác cao; đa phần các thiết bị đều phải nhập khẩu... Đây cũng là một trong những khó khăn mà EVN phải đối mặt. Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng việc EVN quyết định đầu tư, khai thác, phát triển điện mặt trời được kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn mới trong phát triển năng lượng sạch, công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững.
Lộ trình phát triển NLMT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050:
| Năm 2015 | Năm 2020 | Năm 2030 | Năm 2050 |
Điện năng sản xuất từ NLMT | ~ 10 triệu kWh | ~ 1,4 tỷ kWh | ~ 35,4 tỷ kWh | ~ 210 tỷ kWh |
Tỷ lệ điện sản xuất từ NLMT /tổng sản lượng điện sản xuất | Không đáng kể | 0,5% | 6% | 30% |
(Nguồn: Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050)
Số liệu bức xạ mặt trời tại Việt Nam
Vùng | Giờ nắng trong năm | Cường độ bức xạ mặt trời (kWh.m2/ngày | Ứng dụng |
Đông Bắc | 1.600-1.750 | 3,3-4,1 | Trung bình |
Tây Bắc | 1.750-1.800 | 4,1-4,9 | Trung bình |
Bắc Trung bộ | 1.700-2.000 | 4,6-,52 | Tốt |
Tây Nguyên và Nam Trung bộ | 2.000-2.600 | 4,9-5,7 | Rất tốt |
Nam bộ | 2.200-2.500 | 4,3-4,9 | Rất tốt |
Trung bình trên cả nước | 1.700-2.500 | 4,6 | Tốt |
(Nguồn: Tài liệu khảo sát lượng bức xạ mặt trời cả nước)