Công nhân điện lực kiểm tra tình trạng hoạt động của những tấm pin mặt trời
trên huyện đảo Trường Sa, tháng 5/2018.
Nối gần đảo xa
Cuối tháng 5/2018, sau gần 1 năm tiếp nhận, quản lý và vận hành hệ thống điện tại huyện đảo Trường Sa, Đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trở lại thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại 12 đảo, điểm đảo và Nhà giàn DK1, đồng thời kiểm tra việc đảm bảo điện cho quân và dân huyện đảo Trường Sa.
Ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, ngay sau khi tiếp nhận quản lý hệ thống điện trên huyện đảo Trường Sa (tháng 7/2017), EVN đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân, khẩn trương thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống năng lượng sạch trên các đảo. Đến nay, các đảo và nhà giàn DK1 đã được cung cấp điện ổn định 24/24h.
Cũng theo ông Nguyễn Cường Lâm, thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp kỹ thuật và quản lý để nâng cấp hệ thống điện, tăng cường khả năng cung cấp điện phục vụ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đến cuối năm 2017, EVN đã tiếp nhận, quản lý vận hành, cấp điện cho 11/12 huyện đảo trên cả nước; trong đó, do nằm quá xa đất liền, các đảo Bạch Long Vỹ, Trường Sa, Cồn Cỏ và Côn Đảo được sử dụng năng lượng tái tạo gồm: điện mặt trời, điện gió, diezel,..., các huyện đảo còn lại đều được sử dụng điện lưới quốc gia với những cố gắng, vượt qua gian khó, quyết tâm đưa điện ra đảo của CBCNV ngành Điện.
Nhớ lại năm 1991, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (Tổng công ty Điện lực miền Bắc) thực hiện dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cát Hải (huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng). Đây có thể coi là bước khởi đầu trong hành trình đưa điện lưới quốc gia đến với đảo xa của ngành Điện. Tiếp đó, PC Hải Phòng lại tiếp tục đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cát Bà vào năm 1998, mở ra giai đoạn phát triển mới về kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch cho hòn đảo này.
EVN còn tiếp tục công cuộc đưa điện “vượt sóng ra đảo xa” bằng cáp ngầm xuyên biển ra các đảo: Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn… Trong đó, đáng kể nhất là dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Đây là tuyến cáp ngầm dài nhất Đông Nam Á tính tới thời điểm này.
Tạo thuận lợi phát triển kinh tế biển đảo
Một điều dễ dàng nhận thấy, các huyện đảo sau khi có điện đều đã có sự phát triển mạnh về kinh tế, thu hút đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), trước năm 2016, việc cấp điện phụ thuộc vào 3 tổ máy phát điện vận hành luân phiên với công suất khoảng 1.000 kVA. Phụ tải bị cắt điện luân phiên, độ tin cậy cung cấp điện thấp, gây khó khăn cho mọi hoạt động trên đảo. Từ tháng 12/2015, sau khi tiếp nhận, quản lý lưới điện trên đảo, ngành Điện đã tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện phân phối. Người dân trên đảo được mua điện với giá quy định của Nhà nước. Đồng thời, việc cấp điện ngày càng ổn định với độ tin cậy cao đã tạo đà cho Bạch Long Vĩ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Cũng cần phải nhắc đến sự thay da đổi thịt của huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) từ ngày có điện lưới quốc gia. Nếu trước đây, huyện đảo này chưa có một phòng nghỉ nào đạt chuẩn 5 sao, thì giờ đây, đã có hàng nghìn phòng đạt chuẩn 5 sao. Mỗi năm, huyện đảo Phú Quốc thu hút hàng nghìn lượt khách đến du lịch, nghỉ dưỡng; hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí... Đặc biệt, đảo Ngọc đang chuyển mình mạnh mẽ và sẽ trở thành đặc khu kinh tế của cả nước trong tương lai.
Cùng với việc đưa điện ra các huyện đảo, nhiều dự án cấp điện cho các xã đảo cũng được EVN tiếp tục thực hiện theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020. Với việc đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, EVN đang làm tốt nhiệm vụ chính trị, đưa điện đến các vùng sâu, vùng xa, các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia.
11/12 huyện đảo do EVN tiếp nhận, quản lý vận hành cung cấp điện gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Trường Sa (Khánh Hòa), Cồn Cỏ (Quảng Trị).