|
EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp tại 3.669 xã trên toàn quốc |
(ĐCSVN) - Được thực hiện từ năm 1998, đến nay chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đem lại những lợi ích thiết thực. Người dân nông thôn đã được hưởng chính sách giá điện Nhà nước, được sử dụng điện an toàn, hiệu quả hơn. EVN đã từng bước mở rộng mạng lưới khách hàng, có điều kiện đầu tư cải tạo lưới điện, giảm tổn thất điện năng và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Số liệu của EVN cho thấy, trong thời gian từ tháng 6/2008 đến hết tháng 4/2010, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp tại 3.669 xã, nâng tổng số xã do EVN bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn lên 6.750/9.106 xã trên cả nước, trong đó 24 tỉnh, thành phố có 100% số xã EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến 100% số hộ nông thôn.
Lợi ích nhân đôi
Theo EVN, chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ áp, bán điện trực tiếp tới khách hàng dùng điện ở nông thôn xuất phát từ Nghị quyết số 12/1007/QH10 được Quốc hội khoá X thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 12/12/1997. Trong Nghị quyết nêu rõ “giao cho ngành điện xây dựng quy chế trực tiếp quản lý lưới điện nông thôn, tính lại giá bán điện hợp lý, trước mắt công bố giá trần áp dụng đối với nông thôn...”. Việc bán điện trực tiếp tới khách hàng dùng điện ở nông thôn đã được EVN từng bước thực hiện từ năm 1997 với nhiều chương trình khác nhau như: tiếp nhận lưới điện khu vực thị trấn, thị tứ; tiếp nhận toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn, lưới điện thuỷ nông, lưới điện nông lâm trường, tiếp nhận lưới điện hạ áp tại các xã được các địa phưong đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau nhưng bàn giao cho ngành điện theo hình thức tăng giảm vốn.
Việc bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn, đó chính là được sử dụng điện đúng với mức giá quy định của Nhà nước, trực tiếp được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Luới điện hạ áp nông thôn sau khi được bàn giao cho ngành điện sẽ được tiếp tục đầu tư cải tạo và duy tu bảo dưỡng nên sẽ đảm bảo chất lượng kỹ thuật và an toàn, năng lực chuyển tải của lưới điện được nâng cao, đáp ứng yêu cầu về chất lượng điện và nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt và sản suất ngày càng gia tăng, hạn chế tai nạn do điện ở địa phương. Chuyển giao lưới điện hạ áp cho ngành điện thống nhất quản lý sẽ giúp chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài của các cá nhân, tổ chức quản lý điện nông thôn: Tình trạng quản lý lưới điện manh mún, không đáp ứng các quy định của pháp luật, thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật hạn chế làm cho lưới điện hạ áp ngày càng xuống cấp, không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, chất lượng điện không đảm bảo, tai nạn do điện cao, đo đếm điện năng thiếu chính xác, tổn thất điện năng lớn (từ 25 - 30%), đặc biệt là giá bán điện cao hơn nhiều so với quy định của Chính phủ, gây bức xúc cho người dân nông thôn... Lưới điện sau khi tiếp nhận sẽ được cải tạo và duy tu sủa chữa thường xuyên, cùng với các biện pháp quản lý chuyên nghiệp sẽ giảm tổn thất điện năng, giảm quá tải, khiến hệ thống điện hoạt động an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ, giảm áp lực trong việc đầu tư phát triển thêm các nhà máy điện. Đây không chỉ là lợi ích của ngành điện mà còn là lợi ích quốc gia.
Vẫn còn vướng mắc
Trên thực tế hiện nay vẫn còn một số vướng mắc như: Một số tổ chức, cá nhân quản lý điện nông thôn không muốn bàn giao lưới điện, hoặc bàn giao theo các điều kiện khắt khe về hoàn trả vốn không theo quy định của Nhà nước. Một số địa phương, tổ chức quản lý điện nông thôn có yêu cầu EVN tiếp nhận nhân lực của các tổ chức này khi tiếp nhận lưới điện, trong khi phần lớn không đáp ứng về chuyên môn kỹ thuật - nghiệp vụ. Tiếp nhận khối lượng lưới điện nông thôn lớn, với tình trạng lưới điện được đầu tư đã lâu, xuống cấp, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn, tỷ lệ tổn thất điện năng cao, bình quân từ 25 - 30%, số lượng khách hàng tăng đột biến trong thời gian ngắn nên EVN phải đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện sau tiếp nhận với số vấn rất lớn, đồng thời tăng thêm nhân lực cho công tác quản lý...
Tính đến nay, lưới điện hạ áp tại 2.356 xã do các tổ chức khác tại địa phương bán điện đến hộ nông thôn, trong đó có trên 1.300 xã thuộc Dự án Năng lượng nông thôn II (RE-II) do Ban Quản lý dự án của các địa phương đang tiến hành thi công và trên 1.050 xã mà các tổ chức, cá nhân bán điện có đủ điều kiện bán điện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện vẫn chưa được bàn giao.
Để lưới điện hạ áp nông thôn sau khi tiếp nhận vận hành an toàn và hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư củng cố lưới điện, EVN cần tiếp tục củng cố hệ thống dịch vụ bán lẻ điện năng, trong đó ưu tiên ký hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện với các tổ chức, cá nhân quản lý điện nông thôn của địa phương. Việc phát triển hệ thống dịch vụ bán lẻ điện về căn bản cũng sẽ giải quyết một phần lao động dôi dư của các tổ chức tư nhân bán điện trước đây, đồng thời, thu hút người dân và các tổ chức kinh tế tại địa phương tham gia vào việc vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống điện nông thôn.