Khó khăn nhất của ngành điện hiện nay là nhu cầu sử dụng điện tăng cao, chi phí đầu vào tăng 30 - 40% nhưng giá bán điện không tăng nên khó thu hút đầu tư dẫn đến nguồn điện thiếu nghiêm trọng. Trước tình hình đó, lãnh đạo EVN đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tăng doanh thu, giảm chi phí để đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi.
|
Lãnh đạo EVN đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tăng doanh thu, giảm chi phí để đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi |
Việc đưa tỷ lệ tổn thất điện năng từ 2 con số sẽ giảm xuống 8,7% vào năm 2010 đã thể hiện sự cố gắng vượt bậc của EVN giảm hơn chỉ tiêu Bộ Công thương giao. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện và quảng bá sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng với chương trình 3 triệu bóng đèn compact của EVN, do đó kết quả điện năng tiết kiệm trong năm 2008, 2009 đạt 1.945 triệu kWh. Chương trình tiết kiệm 5 - 10% chi phí các loại cũng đã giúp EVN tiết kiệm gần 1 nghìn tỷ đồng...
Nhiệm vụ quan trọng nhất của EVN vẫn là đảm bảo cung ứng điện cho cả nước. Tính chung giai đoạn 2006 - 2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện mới tăng thêm trên toàn hệ thống 10.400 MW (tăng 1,98 lần so với năm 2005). Giai đoạn 2006 – 2015, EVN có 29 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.800 MW đã và đang xây dựng, đưa vào vận hành 5.500 MW công suất nguồn điện mới. Trong thời gian qua, các nhà máy điện đã vận hành tương đối ổn định, đáp ứng cơ bản phương thức huy động nguồn của hệ thống điện. Hiện nay, EVN đang tích cực chỉ đạo tiến độ xây dựng để nhà máy thủy điện Sơn La phát điện vượt trước kế hoạch 2 năm. Tập đoàn cũng đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư lưới điện. Tính đến cuối năm 2009, EVN đã đầu tư 23.700 km đường dây cao thế 500 - 110 kV, 277.500 km đường dây trung, hạ thế, tổng dung lượng trạm biến áp cao thế 500 – 110 kV là 44.500 MVA, tổng dung lượng trạm biến áp trung, hạ thế là 43.800 MVA. Đặc biệt năm 2009, Tập đoàn đã hoàn thành các thủ tục để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư các dự án nguồn điện quan trọng là Thủy điện Lai Châu (1.200 MW) và Điện hạt nhân Ninh Thuận (công suất trên 4.000 MW). Từ năm 2006 đến nay, EVN đã tập trung thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (Quy hoạch điện VI). Đây là thời kỳ đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với tổng giá trị thực hiện 202.100 tỷ đồng, dự kiến năm 2010 là 58.500 tỷ đồng.
EVN sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp để giảm tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối điện; đẩy mạnh các chương trình thực hiện kiểm toán năng lượng, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng nhằm quảng bá và thúc đẩy sử dụng tiết kiệm điện.
Với mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm theo các phương án đã đề ra nhằm đáp ứng dự báo tăng trưởng GDP của giai đoạn 2011 - 2015 là 7,5 - 8%/năm. Đảm bảo huy động đủ nhu cầu vốn cho đầu tư trong giai đoạn 2011 – 2015, hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 14.852 MW các nhà máy điện, đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các đường dây 500 - 110 kV và lưới điện phân phối cung ứng điện cho nền kinh tế và đấu nối các nguồn điện vào hệ thống quốc gia, chuẩn bị các điều kiện nhằm thực hiện Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII)... Trong thời gian tới, EVN sẽ tập trung vào các giải pháp như: Đảm bảo vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện, chú trọng nâng cấp các nhà máy điện, các đường dây truyền tải có thời gian vận hành lâu năm. Khai thác tối ưu nguồn điện, đưa các nhà máy đang xây dựng vào vận hành đúng tiến độ, nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh...
Việc giảm tỷ lệ điện tổn thất trong truyền tải và phân phối, triệt để thực hành tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ được EVN đặc biệt chú trọng trong thời gian tới. Theo đó, EVN sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp để giảm tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối điện; chủ động tham mưu, triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Luật sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh các chương trình thực hiện kiểm toán năng lượng, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng nhằm quảng bá và thúc đẩy sử dụng tiết kiệm điện dưới nhiều hình thức khác nhau trong xã hội.