|
Điện khí hóa mang đến cơ hội phát triển đời sống cho hàng triệu người dân... Ảnh: Tiến Dũng |
Theo nhiều chuyên gia năng lượng của thế giới, Việt Nam là một điển hình cho câu chuyện thành công trên toàn cầu về phát triển ngành năng lượng trong một vài thập kỷ vừa qua. Trong đó, thành công đầu tiên cần đề cập đến chính là việc thực hiện điện khí hoá nông thôn. Cụ thể, đến nay sau hơn 25 năm liên tục thực hiện, đã có trên 14 triệu hộ gia đình hay 60 triệu người dân Việt Nam đã được hoà lưới điện quốc gia. Về điện khí hoá nông thôn, tỷ lệ tiếp cận điện của Việt Nam đã tăng từ 14% vào năm 1993 lên tới trên 99% vào năm 2018.
Để có được thành quả to lớn này, Chính phủ đã thường xuyên quan tâm về cả chủ trương và hỗ trợ nguồn lực cho việc mở rộng mạng lưới điện quốc gia. Bởi yêu cầu về tài chính cần thiết cho ngành năng lượng là vô cùng lớn. Chỉ tính từ năm 2010, ngành điện đã được đầu tư 80 tỷ USD vào phát điện, truyền tải và phân phối.
Về cải cách ngành Điện, Chính phủ đã sớm đưa ra một lộ trình rõ ràng để thực thi cạnh tranh và tái cấu trúc ngành. Động lực thực hiện là để chuyển từ cấu trúc thị trường độc quyền theo ngành dọc sang thị trường điện cạnh tranh toàn phần. Đến nay, Chính phủ đang tiếp tục những cam kết toàn diện để tiến tới một thị trường điện cạnh tranh; thị trường điện bán buôn sẽ bắt đầu được vận hành đầy đủ. Kinh nghiệm với tự do hoá thị trường đến nay rất tích cực, đóng góp vào sự vận hành hiệu quả của EVN trong vai trò một công ty công ích với năng lực vận hành và kỹ thuật tốt, đồng thời cho phép khối tư nhân tham gia vào thị trường phát điện.
Tuy nhiên, tiêu thụ điện của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, tiêu thụ điện theo đầu người hiện nay vào khoảng 1.700 kWh một năm – con số này chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng 1/5 so với Úc. Nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và người dân ngày một khấm khá hơn, nhu cầu điện năng sẽ tăng mỗi năm khoảng 8% trong thập niên tới. Bên cạnh đó, giá điện của Việt Nam vẫn còn thấp dưới mức thu hồi vốn và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện không nhận trợ cấp trực tiếp từ Chính phủ. Do đó, có thể nói, EVN và ngành Điện đã và đang sử dụng có hiệu lực và hiệu quả đồng vốn ODA.
Sự phát triển của nền kinh tế đất nước hiện đang đặt ra cho ngành Điện những thách thức không nhỏ, sau khi hoàn thành điện khí hóa nông thôn. Đó là, làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu năng lượng của tương lai nhưng vẫn đảm bảo đươc các mục tiêu của Chính phủ trong việc giảm phát thải khí nhà kính và các chỉ tiêu về biến đổi khí hậu; và cách thức nào để huy động những nguồn tài chính lớn (ước tính vào khoảng 8 tỷ USD) mỗi năm để đáp ứng cho nhu cầu điện ngày một tăng nhanh.
Thời gian tới, Chính phủ cần xác định và thực hiện các giải pháp tốt về mặt kỹ thuật, tài chính và xã hội để giảm thiểu việc sử dụng than trong tương lai, chủ yếu trong phát điện; thực hiện song song 4 nhiệm vụ trọng tâm để giảm điện than gồm: mở rộng năng lượng tái tạo (đặc biệt điện gió và điện mặt trời); thúc đẩy khí tự nhiên và khí hoá lỏng LNG; tăng cường các đầu tư về hiệu quả năng lượng; và thúc đẩy mua bán điện trong vùng, đặc biệt với Lào.
Mặt khác, cần tranh thủ “Sáng kiến Tối đa hoá tài chính cho Phát triển (MFD)”, WB đang hỗ trợ cho Chính phủ để tìm kiếm và thực hiện các giải pháp đem lại nhiều đầu tư tư nhân và tài chính thương mại hơn nữa cho ngành Điện. Sáng kiến MFD đặc biệt phù hợp trong bối cảnh Việt Nam gần đây đã tốt nghiệp IDA và những khó khăn trong vay vốn chính phủ bảo lãnh do chính sách về trần nợ công của Chính phủ./.