Huyện Phước Sơn (Quảng Nam): Hoàn thành việc giao - nhận lưới điện hạ áp nông thôn

Thứ năm, 29/07/2010 16:21

Phước Sơn là một trong những huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, dân số vào khoảng 22.500 người, bao gồm 16 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn 11 xã và 1 thị trấn, trong đó người Bh´nong chiếm 62%, người kinh 31,5%, còn lại 6,3% thuộc về các dân tộc thiểu số khác.

 Thay máy biến áp để nâng cao chất lượng cung ứng điện tại khu vực lưới điện mới tiếp nhận 

Thế mạnh lớn nhất của huyện là trồng rừng và khai thác khoáng sản, vì thế sau ngày giải phóng, nhiều người ở khắp các nơi lên đây lập nghiệp với mong muốn thoát nghèo. Thế nhưng đã mấy chục năm rồi mà họ vẫn còn “loay hoay” với cái nghèo, bởi điều kiện tự nhiên nơi đây khá khắc nghiệt, hạ tầng cơ sở còn quá thiếu thốn. Điện là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống trên cả hai khía cạnh vật chất và tinh thần, nên người dân không thể thoát nghèo một cách tích cực vì chưa có điện!

Hơn hai mươi năm trước, thị trấn Khâm Đức đã có điện từ nguồn thuỷ điện nhỏ tại chỗ, nhưng sản lượng chỉ đủ dùng cho ánh sáng sinh hoạt. Năm 1999, Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực Miền Trung) đầu tư đưa điện lưới quốc gia lên cung cấp cho vùng này, từ đó mới có điều kiện mở rộng các xuất tuyến cấp điện cho toàn huyện. Tuy nhiên, do suất đầu tư quá lớn, kinh doanh không mang lại hiệu quả kinh tế, và nhất là do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên địa phương chỉ kéo điện cho một vài xã vùng ven thị trấn và giao cho Xí nghiệp quản lý điện Phước Sơn (thuộc Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Quảng Nam) phụ trách việc mua bán điện.

Còn lại 5 xã Phước Kim, Phước Chánh, Phước Công, Phước Mỹ và Phước Thành chỉ đến khi Công ty Điện lực 3 triển khai Dự án năng lượng nông thôn khu vực miền Trung mới được đầu tư cấp điện. Năm 2005, công trình điện của 5 xã nói trên hoàn thành, lúc này Chi nhánh điện Hiệp Đức (nay là Điện lực Hiệp Đức) cũng vừa mới được thành lập (ngày 1/8/2005), nên Công ty Điện lực 3 giao cho chi nhánh đảm nhận việc quản lý vận hành và bán điện trực tiếp đến hộ dân thông qua 850 công tơ bán lẻ.

Như vậy, lúc bấy giờ, trên cùng một địa bàn nhưng người dân huyện Phước Sơn phải mua điện qua 2 tổ chức kinh doanh điện và phải chịu nhiều mức giá điện khác nhau: Những nơi mua điện trực tiếp từ Điện lực Hiệp Đức thì trả tiền điện thống nhất theo theo giá bậc thang quy định của nhà nước, với 100 kWh đầu tiên thấp hơn mức giá trần (700 đ/kWh); chất lượng điện tốt hơn và người dân không chịu bất kỳ một khoản phí tổn nào. Trong khi đó, các hộ dân mua điện qua Xí nghiệp quản lý điện Phước Sơn thì mỗi nơi chịu một mức giá khác nhau, dù rằng tại Công văn 1303/CP-KTTH, ngày 3/11/1998, Chính phủ đã quy định “giá trần bán điện tiêu dùng sinh hoạt cho hộ nông dân là 700 đ/kWh”, song thực tế không ai mua được mua điện với mức giá ấy mà có khi phải chịu giá cao hơn gấp hai, ba lần, có nơi đến 2000 đ/kWh. Ngoài giá điện trôi nổi, người dân còn phải chịu nhiều khoản chi phí khác như tổn thất điện năng, sửa chữa lưới điện, quản lý vận hành... Thế nhưng, Xí nghiệp quản lý điện Phước Sơn lại hoạt động không có hiệu quả, nợ tiền điện kéo dài, lưới điện không được khấu hao, tu bổ nên xuống cấp, rệu rã. Trước thực trạng đó, chủ trương của Chính phủ giao cho ngành điện quản lý vận hành lưới điện và tổ chức bán điện trực tiếp đến hộ dân được lãnh đạo và nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ và ngay cả Xí nghiệp quản lý điện Phước Sơn cũng tán thành.

Bước đầu là việc tiếp nhận lưới điện hạ áp và tổ chức bán lẻ điện tại thị trấn Khâm Đức. Theo kế hoạch của Điện lực Quảng Nam (nay là Công ty Điện lực Quảng Nam), từ tháng 9 năm 2008, Điện lực Hiệp Đức đã làm việc với Xí nghiệp quản lý điện Phước Sơn, tiến hành giao-nhận lưới điện và tổ chức bán lẻ điện cho 1247 khách hàng. Đến tháng 11 năm 2008, Công ty đầu tư hơn 800 triệu đồng cải tạo lưới điện và thay mới toàn bộ công tơ. Qua tổ chức bán lẻ điện tại thị trấn Khâm Đức, cùng với việc bán lẻ điện cho 5 xã nói trên đã khẳng định chủ trương giao cho ngành điện quản lý bán điện trực tiếp đến hộ dân là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân, bởi quyền lợi của họ được bảo đảm, giá điện rẻ hơn, chất lượng điện tốt hơn, phong cách phục vụ nhanh gọn, khoa học hơn. Lúc này, toàn huyện đã có khoảng 3000 hộ mua điện trực tiếp qua Điện lực Hiệp Đức.

Tháng 2/2009, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị triển khai đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp và tổ chức bán lẻ điện đến hộ dân nông thôn trong toàn tỉnh. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh; được sự hỗ trợ và chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Phước Sơn cùng với sự đầu tư của Công ty Điện lực Quảng Nam, ngay từ tháng 4/2009, Điện lực Hiệp Đức đã làm việc với Xí nghiệp quản lý điện Phước Sơn ký biên bản bàn giao; đồng thời tiến hành khảo sát thực địa, nắm chắc hiện trạng lưới điện, thống kê danh sách khách hàng dùng điện...để tiến hành tiếp nhận và tổ chức bán lẻ cho từng khu vực.

Ông Lê Mai Biền, Phó Giám đốc Điện lực Hiệp Đức cho biết, tính đến tháng 6/2010, Điện lực đã tiếp nhận thêm 82,5 km đường dây trung áp, 49 km đường dây hạ áp và tổ chức bán lẻ điện thêm cho hơn 1.600 hộ dân. Như vậy, Điện lực Hiệp Đức đã hoàn thành việc tiếp nhận 100% khối lượng công trình lưới điện của huyện Phước Sơn, thay thế 4.050 công tơ để bán điện trực tiếp cho 4.554 hộ dân, đạt 100% số hộ dùng điện từ lưới điện quốc gia.

Theo quy định, sau khi tiếp nhận bán lẻ thì phải tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện nhằm đảm bảo chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng. Tuy nhiên do khối lượng tiếp nhận khá lớn, vốn đầu tư có hạn nên Điện lực Hiệp Đức tạm thời sử dụng lưới điện cũ của Xí nghiệp quản lý điện Phước Sơn đã bàn giao để tiếp tục bán điện cho khách hàng; mặt khác, Điện lực tiến hành kiểm tra nắm chắc những nơi lưới điện xung yếu để dự trù vật tư, kinh phí trình lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Nam quyết định đầu tư cải tạo lưới điện trong năm kế hoạch 2011.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực