|
Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình |
PV: Lưu lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình trong 4 tháng đầu năm nay như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Minh: Từ năm 2019, lượng nước tích của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Đà đã thiếu hụt kỷ lục, dẫn đến hồ chứa không thể tích được đến mực nước dâng bình thường vào cuối năm. Do khô hạn tiếp diễn, tổng lượng nước về hồ Hòa Bình trong 4 tháng đầu năm nay ở mức rất thấp, chỉ đạt xấp xỉ 4,2 tỷ m3, tương đương 89% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đây cũng là năm mà lượng nước về hồ Hòa Bình thấp nhất so với cùng kỳ, kể từ khi hồ thủy điện Sơn La vào vận hành năm 2011.
Đến thời điểm cuối tháng 4/2020, sản lượng điện sản xuất của Công ty Thủy điện Hòa Bình chỉ đạt 1,387 tỷ kWh, đạt 16,8 % so với kế hoạch năm (8,259 tỷ kWh), tương đương 67,8% so với cùng kỳ TBNN (2,046 tỷ kWh) và cũng là năm có sản lượng điện sản xuất kém nhất.
Hiện nay đã là cuối mùa khô. Mực nước hồ Hòa Bình lúc 01h ngày 01/5/2020 ở mức 87,15m, dung tích hồ còn lại 813 triệu m3 tương đương 150 triệu kWh. Dù vậy, mực nước này vẫn chưa phải là thấp nhất kể từ khi đưa vào vận hành, vì những năm trước chưa có các hồ trên thượng lưu và hồ Sơn La thì mực nước hồ Hòa Bình khai thác sát mực nước chết 80m vào đầu mùa lũ.
PV: Vừa qua, Bộ TN&MT đã có văn bản đồng ý giảm lưu lượng xả xuống hạ du. Điều này sẽ giúp cho việc tích nước hồ chứa để phát điện trong những tháng nắng nóng còn lại như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Minh: Năm 2020, Bộ TN&MT đã có các văn bản số 1086/BTNMT-TNN ngày 04/3/2020 và gần đây nhất là văn bản số 2253/BTNMT-TNN ngày 24/4/2020 đồng ý để EVN giảm lưu lượng xả xuống hạ du với lưu lượng trung bình ngày 300m3/s, ngày lễ và thứ 7, chủ nhật xả liên tục không nhỏ hơn 214m3/s. Điều này giảm bớt khó khăn cho công ty trong việc điều tiết xả nước xuống hạ du, do lượng nước về thiếu hụt rất nghiêm trọng. Thực tế, mực nước hồ liên tục giảm, hiện tại chỉ còn cách mực nước chết 7m.
Do diễn biến cực đoan của thời tiết, nguồn nước thiếu hụt và cạn kiệt, công ty đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng vùng hạ du đồng bằng sông Hồng để giảm phụ thuộc vào nguồn xả nước từ hồ chứa thủy điện Hòa Bình. Cùng với đó, công ty kiến nghị Nhà máy nước Sông Đà cải tạo hệ thống kênh dẫn nước hoạc bổ sung trạm bơm dã chiến bơm nước để không phụ thuộc vào việc xả nước của Công ty Thủy điện Hòa Bình. Vùng hạ du cần sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên nước trong bối cảnh diễn biến thời tiết, thủy văn cực đoan như hiện nay.
|
Dung tích hồ chứa thủy điện Hòa Bình chỉ còn 813 triệu m3 nước tại thời điểm 1h ngày 1/5/2020 |
PV: Song song với chống hạn, xin ông cho biết công tác ứng phó thiên tai năm nay được công ty chuẩn bị như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Minh: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình nằm trên bậc thang cuối cùng của hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà. Trong mùa mưa bão, việc xả lũ có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sông Hồng và sự an toàn của thủ đô Hà Nội, do đó việc chuẩn bị cho công tác PCTT&TKCN được công ty hết sức chú trọng.
Hiện tại, mặc dù đang thực hiện công tác chống hạn, công tác ứng phó thiên tai năm 2020 được công ty quán triệt tới toàn thể CBCNV và các phòng ban để không chủ quan.
Ngay từ đầu năm, công ty đã thực hiện kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN, Đội Xung kích PCTT&TKCN, lập chương trình kế hoạch PCTT&TKCN, hoàn thiện các phương án, Quy chế phối hợp,..., với các Ban ngành của địa phương, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương, EVN và tỉnh Hòa Bình để sẵn sàng đón lũ trong mùa lũ năm 2020.
Hiện tại, Công ty đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN (EVNPSC) tại Hòa Bình để hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng trước mùa mưa bão (15/6) đối với các hạng mục như: các tổ máy, đập tràn xả lũ, hệ thống điện tự dùng, thiết bị thông tin liên lạc…
PV: Xin cảm ơn ông!