Không được để công trình 500KV Sơn La - Hiệp Hòa chậm tiến độ

Thứ tư, 22/02/2012 21:58

(ĐCSVN) - Dự án công trình 500KV Sơn La - Hiệp Hòa được Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành trong quý I năm nay để kịp cung cấp điện cho Hà Nội và các địa phương phía Bắc trong giai đoạn mùa khô tới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) hành lang tuyến, di dân, tái định cư vẫn còn nhiều bất cập.

 
Cột đang chờ dây vì chưa giải phóng xong mặt bằng (Ảnh Mạnh Hùng) 

Đường dây 500 kV Sơn La -Hiệp Hòa được thiết kế 2 mạch, dài 265 km với 551 vị trí, điểm đầu từ trạm biến áp 500kV Sơn La, điểm cuối đến trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa, đi qua 17 huyện thị của 5 tỉnh: Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Bắc Giang. Đây là đường truyền tải điện từ nhà máy thủy điện Sơn La vào hệ thống điện quốc gia nhằm cung cấp điện cho Hà Nội và các địa phương phía Bắc.

Đến thời điểm này, 4 tổ máy của nhà máy Thủy điện Sơn La đã phát điện, theo kế hoạch, 2 tổ máy còn lại là 5 và 6 của nhà máy thủy điện Sơn La sẽ phát điện trong năm nay. Trong khi đó, tuyến đường dây 500 KV Sơn La- Hiệp Hòa đáng lẽ đã phải hoàn thiện từ cuối năm 2011, nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Thời hạn mới cho dự án này là tháng 3 năm nay, nhưng nếu khó khăn trong giải phóng mặt bằng không sớm được giải quyết rất có thể thủy điện Sơn La sản xuất ra điện nhưng không có đường dây tải điện để đưa điện về lưới. Đến nay, vẫn còn khoảng 35 km chưa triển khai được đường dây truyền tải, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chủ yếu là ở đoạn qua hai huyện Tam Dương và Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Nguy cơ điện sản xuất ra không tiêu thụ được là hoàn toàn có thực nếu như những vướng mắc về xây dựng đường dây không sớm được giải quyết.

Có mặt tại vị trí khoảng néo 9201-9206, thuộc thị trấn Hợp Hoà, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Quang Vinh, Phó trưởng Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (Ban AMB) cho biết, để GPMB 1 vị trí móng cột, đơn vị đã mất tới 6 tháng. Mặc dù đất bị thu hồi thực tế là đất ruộng, nhưng người dân lại xác định đây là đất thổ cư. Phải mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc đất này do trước đó, người dân tự ý chuyển nhượng.

Đến nay, thực tế ở Thị trấn Hợp Hoà, Tam Dương hay thôn Yên Bình, huyện Tam Đảo, mỗi nơi chỉ còn 1 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, với lý do chưa được chính quyền cấp sổ đỏ; số tiền bồi thường không đủ để xây lại nơi ở mới như... nơi cũ.
 

 
Phó Chủ tịch huyện Tam Dương Nguyễn Văn Cương (Ảnh Mạnh Hùng) 

Ông Nguyễn Văn Cương Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Dương, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, GPMB huyện cho biết: Tam Dương hiện là một trong những điểm nóng nhất của tỉnh về GPMB hành lang tuyến. Điều này có nguyên nhân do khối lượng công việc quá lớn, trong khi năng lực cán bộ địa phương còn nhiều hạn chế. Công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB mất rất nhiều thời gian do phải xác minh cặn kẽ nguồn gốc đất đai.

Đến nay, huyện Tam Dương đã quy hoạch 4 khu tái định cư, nhưng mới gần hoàn tất việc chi trả tiền bồi thường, hầu hết các khu mới xong phần san lấp mặt bằng, công việc này được giao cho địa phương, nhưng tiến độ thi công quá chậm. Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Cương nêu giải pháp tình thế là chính quyền sẽ hỗ trợ các hộ dân xây dựng các khu tạm cư để nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Thống kê của Ban AMB, tỉnh Vĩnh Phúc có tổng cộng 10 khu tái định cư, thì đến nay các huyện mới hoàn tất khoảng 3-4 khu, còn tới 6 khu tái định cư chưa hoàn thành, đồng nghĩa với việc người dân sẽ không thể có chốn an cư lâu dài để nhường đất cho công trình.

Phó Chủ tịch huyện Tam Dương Nguyễn Văn Cương cho biết: Hiện chỉ còn 14 hộ dân trong diện tái định cư sẽ được chính quyền hỗ trợ tối đa để tạm cư. Các hộ dân trong diện GPMB đã được huyện giải quyết tái định cư tại chỗ. Huyện sẽ tạo điều kiện để các hộ dân được cấp sổ đỏ, tạo điều kiện sớm nhất cho các đơn vị thi công theo đúng tiến độ.

 

Ông Hoàng Đức Đăng, Bí thư chi bộ thôn Yên Bình (Ảnh Mạnh Hùng) 


Ở thôn Yên Bình, xã Minh Quang Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có 9 gia đình nằm trong số hộ có phải di dời, giải tỏa thì đã có 8 gia đình nhận tiền đền bù và đang chuẩn bị dựng nhà tại khu tái định cư mới. Theo ông Hoàng Đức Đăng, Bí thư chi bộ thôn Yên Bình, cho biết: Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần đến vận động bà con có diện tích nằm trong hành lang lưới điện, nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho dự án quốc gia: Lúc đầu cũng có nhiều hộ dân phản ứng một là giá; hai là diện tích đất được đền bù, có một số trường hợp không nhận tiền, nhưng các cơ quan đoàn thể của xã, dân vận xuống giải quyết...Tính đến nay, thôn Yên Bình có 8 hộ đã nhận tiền đền bù, còn 1 hộ. Đến nay chúng tôi cùng với Ban Chỉ đạo xã đến động viên, đến nay gia đình này cũng đã chấp nhận...

Trăn trở về tiến độ của dự án, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) Trần Quốc Lẫm cho rằng: Mục tiêu của NPT là đảm bảo đưa các công trình nối nguồn đi vào vận hành sớm khai thác có hiệu quả công suất của nhà máy Thủy điện Sơn La nhằm cung cấp điện một cách an toàn, hiệu quả nhất cho các nhu cầu phụ tải của các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội vào mùa khô năm nay. Tuy nhiên, công tác đền bù và GPMB ở một số địa phương triển khai chậm. Trên toàn tuyến có khoảng 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, số nhà bị di dời gần 500 nhà. Các đơn vị giải phóng mặt bằng (do địa phương đảm nhận) phải xây dựng 21 khu tái định cư để di dân ra khỏi tuyến. Cho đến thời điểm này mới xây dựng xong 12 khu tái định cư, 4 Khu tái định cư đang thực hiện dở dang và còn lại 5 khu chưa khởi công xây dựng. Để đường dây mang điện vào cuối tháng 3/2012 kịp đón điện từ tổ máy số 5 của Thủy điện Sơn La, tăng cường nguồn điện cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào mùa hè 2012, theo NPT, không thể lùi tiến độ được nữa. NPT đang kiến nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, công tác bố trí tạm cư và tiến độ di dân ra khỏi hành lang để đảm bảo đường dây mang điện, đồng thời các địa phương cần tiếp tục mạnh mẽ vào cuộc và cùng NPT tuyên truyền vận động để các hộ dân bàn giao mặt bằng, hành lang kéo dây, tiếp tục giải quyết mọi kiến nghị thắc mắc của nhân dân.

Để có thể đưa công trình đường dây 500 kV Sơn La - Hiệp Hoà về đích đúng tiến độ cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc. Có như vậy, điện từ Thủy điện Sơn La mới có thể lên lưới đáp ứng nhu cầu tăng cao của khu vực phía Bắc cũng như cả nước trong mùa khô này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực