'Không xây nhà máy điện hạt nhân, VN càng thiếu điện'

Thứ hai, 28/02/2011 09:21

Tiến sĩ Lê Văn Hồng, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia cho rằng, nhu cầu điện của Việt Nam tăng 15-16% mỗi năm trong khi thủy và nhiệt điện hiện ngày càng hữu hạn.

Năm 2014, Việt Nam sẽ xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận. Ông có thể cho biết ứng dụng của nhà máy này trong tương lai?

 
Tiến sĩ Lê Văn Hồng.
 Ảnh: Hoàng Lan.

- Nhà máy điện hạt nhân có thể ứng dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường. Cụ thể, năng lượng nguyên tử có thể dùng để kiểm tra chất lượng công trình, ứng dụng trong việc điều khiển tự động ở các nhà máy, tạo ra các giống cây mới... Đặc biệt, người ta có thể sử dụng nguồn năng lượng nguyên tử để phát ra điện. Hiện đã có khoảng 31 nước trên thế giới sử dụng điện hạt nhân, chiếm 16% tỷ lệ điện năng toàn cầu. Chính vì thế, Nhà nước đã phê duyệt chương trình phát triển điện hạt nhân để chuẩn bị lên kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

- Bộ Công Thương cho rằng trong 5 năm nữa, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, vậy khi xây nhà máy điện hạt nhân, nguồn cung về điện sẽ được cải thiện thế nào thưa ông?

- Xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải đặt trong tầm nhìn dài hạn, trong vòng hàng trăm năm. Sau năm 2015 chúng ta sẽ phải nhập khẩu năng lượng, do đó đã đến lúc chúng ta phải tìm một nguồn năng lượng khác để bổ sung. Tôi cho rằng, ngoài năng lượng tái tạo và nhập than từ nước ngoài thì chúng ta phải phát triển điện hạt nhân. Theo kế hoạch, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên có thể vận hành năm 2020. Khi vận hành, tỷ lệ điện hạt nhân sẽ tăng dần lên.

Nhu cầu điện của Việt Nam tăng 15-16% mỗi năm, thủy điện có hạn, nhiệt điện cũng có hạn nên chúng ta mới phải nhập than của nước ngoài để sản xuất điện. Mặc dù phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thì nó cũng chỉ là bổ sung thêm thôi chứ không giải quyết được căn bản. Nếu như không làm điện hạt nhân thì chúng ta ngày càng thiếu hụt điện.

- Vậy giá thành của điện hạt nhân so với nguồn điện từ tái tạo sẽ thế nào thưa ông?


- Đối với tổ máy đầu tiên thì giá thành đắt nhưng khi xây nhiều tổ máy thì giá thành điện hạt nhân sẽ giảm xuống rất nhiều. Bởi vì càng về sau các tổ máy đã thu hồi hết vốn nên chúng ta chỉ cần mất chi phí để nó chạy thôi. Chi phí nhiên liệu và vận hành bảo dưỡng rất thấp nên xét về lâu dài giá thành điện hạt nhân cực rẻ. Ví dụ như Mỹ, có hơn 1,5 cent mỗi kWh.

- Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên cân nhắc khi xây nhà máy điện hạt nhân thứ hai bởi một số nước mạnh như Đức cũng đã dừng phát triển nguồn năng lượng này. Ông nghĩ sao?

- Mỗi quốc gia đều có điều kiện riêng để phát triển điện hạt nhân. Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất bé nhỏ nằm giữa vũng dầu nhưng lại đang xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân cho Hàn Quốc. Câu hỏi đặt ra là tại sao một nước bé như vậy có thể làm điện hạt nhân? Ở vùng Trung Đông, nhiều nước đang tích cực chuẩn bị cho chương trình phát triển điện hạt nhân.

Đức có chủ tương sử dụng tiếp những nhà máy hiện tại đến năm 2022, khi hết hạn sử dụng thì dừng lại.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực