Nhà máy điện Phú Mỹ 4 và Phú Mỹ 1 thuộc Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ.
Không ngừng trưởng thành
Sự ra đời của nhà máy điện đầu tiên thuộc Trung tâm Điện lực Phú Mỹ bắt đầu từ thập niên 90 thế kỷ 20. Theo dự kiến, Nhà máy điện Phú Mỹ 1 (3x200 MW) công nghệ nhiệt điện truyền thống sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Tuy nhiên, để khắc phục nhanh tình trạng thiếu điện và tận dụng nguồn khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ, EVN đã đề xuất và được Chính phủ cho phép sớm xây dựng các tổ máy tuabin khí chu trình hỗn hợp bằng nguồn vốn vay và tiếp đến là quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Phú Mỹ.
Nhà máy điện Phú Mỹ ra đời ngày 15/02/1997 với 2 tổ máy tuabin khí đầu tiên, thuộc dự án Phú Mỹ 2.1, tổng công suất 288 MW, chu trình đơn. CBCNV Nhà máy có nhiệm vụ quản lý vận hành sản xuất điện vừa phải chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo lực lượng kỹ thuật, quản lý, sẵn sàng tiếp nhận các tổ máy của các dự án tiếp theo.
Đến ngày 04/10/2005, Nhà máy điện Phú Mỹ được chuyển thành Công ty TNHH nhà nước một thành viên Nhiệt điện Phú Mỹ (gọi tắt là Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ). Ngày 01/6/2012, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Phát Điện 3 trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Phú Mỹ, các công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các ban quản lý dự án nguồn điện và tiếp nhận quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại một số công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo đó, các nhà máy điện Phú Mỹ do Tổng công ty Phát điện 3 trực tiếp quản lý.
Với sự chủ động trong công tác quản lý, điều hành, Lãnh đạo Công ty cùng tập thể cán bộ, công nhân viên Nhiệt điện Phú Mỹ đã có được thành quả xứng đáng. Tính đến ngày 09/7/2014, các nhà máy điện Phú Mỹ đã đóng góp cho đất nước 200 tỷ kWh điện - là nhà máy điện đầu tiên ở Việt Nam đóng góp cho đất nước sản lượng điện cao nhất đến thời điểm đó.
Đến ngày 15/02/2016, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ được thành lập lại theo Quyết định của Tổng công ty Phát điện 3; hoạt động theo phân cấp và ủy quyền của Tổng công ty.
Từ một nhà máy vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành 2 tổ máy tuabin khí chu trình đơn, tổng công suất 288 MW, đến nay, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã quản lý vận hành 4 cụm nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp với 13 tổ máy phát điện công nghệ khác nhau. Đây là một trong những công trình được Bộ Xây dựng tặng thưởng Cúp vàng.
Để tăng cường sản lượng điện cho hệ thống điện quốc gia, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã hoàn thành nâng công suất các nhà máy. Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty có tổng công suất 2.540 MW, là đơn vị phát điện có công suất lắp đặt cao nhất (chiếm khoảng 6,6%) của hệ thống điện Việt Nam.
Đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả
Vì sự phát triển bền vững, đảm bảo sản xuất điện an toàn, liên tục và kinh tế, các nhà máy phải thực hiện tốt 8 chỉ tiêu quản lý kỹ thuật; thực hiện nghiêm quy trình, quy phạm trong vận hành, sửa chữa và quản lý thiết bị.
Lực lượng vận hành thường xuyên được đào tạo, nâng cao đã nắm bắt quy trình công nghệ, cải tiến thiết bị để nâng cao hiệu suất của tổ máy. Do vậy, các chỉ tiêu tối ưu chi phí đều đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và thiết bị, hạn chế sự cố chủ quan, xử lý tốt sự cố bất thường thiết bị, khắc phục nhanh sự cố khách quan sớm đưa tổ máy vào vận hành; chú trọng bảo đảm vệ sinh công nghiệp và đặc biệt là công tác môi trường.
Bên cạnh đó, Công ty còn có chiến lược chào giá hiệu quả, giúp các nhà máy được khai thác công suất tối đa, vận hành hiệu quả, vượt kế hoạch; luôn phấn đấu để trở thành một trong những Công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và khu vực.
Hàng năm, các Nhà máy điện Phú Mỹ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 16 tỷ kWh, chiếm khoảng 26% sản lượng điện phía Nam và khoảng 11% sản lượng điện toàn hệ thống điện. Vào những ngày cao điểm mùa khô hàng năm, mỗi ngày Công ty sản xuất từ 50 - 57 triệu kWh, chiếm khoảng 17% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.
Với bề dày kinh nghiệm 20 năm quản lý, vận hành, cùng với sự đoàn kết, trách nhiệm, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.