Những buôn, làng Tây Nguyên từ khi có điện

Thứ hai, 28/02/2011 08:58

Ánh nắng chiều vàng rực, chiếu xuyên qua những tán cây rừng lấp lánh trên con đường nhỏ dẫn vào làng tái dịnh cư Tân Bình, xã  Đác Kan, huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum). Dọc theo con đường nhỏ là hàng trụ điện vươn cao, thẳng ắp  vượt rừng quốc gia Chư Môm Rai đưa điện lưới quốc gia đến với bà con đúng vào dịp Tây Nguyên đón Tết.

Công nhân ngành Điện lắp đặt công tơ cho thôn, buôn được cấp điện

Thôn Tân Bình, xã  Đác Kan, thôn cuối cùng thuộc dự án cấp điện các thôn, buôn Tây Nguyên được đóng điện, nằm cách trung tâm huyện Ngọc Hồi hơn 12 km về phía đông, có khoảng 100 hộ đồng bào người Mường sinh sống. Đây là những hộ dân thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, theo lời kêu gọi của Đảng, đã tự nguyện nhường đất xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình. Vì dòng điện cho công cuộc xây dựng đất nước, họ đã di cư vào vùng đất mới, chọn Đác Kan làm quê hương thứ hai để mưu sinh, lập nghiệp. Thời gian thấm thoát đã 18 năm kể từ ngày đặt chân đến miền đất hoang sơ này, người dân mới được tận hưởng niềm vui trọn vẹn. Các hộ dân đã được nghành điện lắp đặt công tơ, trang bị mạng điện gồm hai bóng đèn compắc, ổ cắm, công tắc, dây đấu nối bảo đảm phục vụ điện sinh hoạt. Càng vui hơn khi được biết nhiều gia đình đã mua tivi ngay trong ngày có điện. Ông Đinh Văn Xiện, trưởng thôn Tân Bình phấn khởi cho biết: Từ đây hết cảnh đèn dầu leo lét. Có điện rồi bà con có thể xem tivi để biết nhiều thông tin, chính sách của Nhà nước, có thêm kiến thức để tổ chức trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, trẻ nhỏ có điều kiện học tập tốt hơn, đời sống của bà con chúng tôi chắc chắn sẽ được nâng cao. Xin cảm ơn Đảng, Chính phủ và ngành Điện.

Nằm cách trung tâm xã khoảng 7 km, làng Phong (làng Gron) nằm trên địa bàn xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ, Gia Lai) có 28 hộ gia đình với 60 nhân khẩu, là nơi tập trung những người bị bệnh phong là đồng bào dân tộc thiểu số về sinh sống. Hầu hết người bệnh phong trong làng đều là nông dân nghèo, thất học và ngại giao tiếp. Hộ sống trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật dày vò. Những người may mắn được chữa lành bệnh vẫn không khỏi mặc cảm với bệnh tật. Để tạo điều kiện sinh sống, chữa bệnh và đưa người bệnh phong sống, sinh hoạt như những người bình thường, UBND huyện Đức Cơ đã đầu tư xây dựng cho mỗi gia đình một căn nhà, UBND xã  Ia Kriêng quy hoạch đất canh tác và cấp cho mỗi hộ dân 2,5 ha. Mặc dù các cấp ủy Đảng và chính quyền hết sức quan tâm, song do bệnh tật, trình độ sản xuất hạn chế lại sống nơi vùng sâu, vùng xa, điện, dài không có nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn ... Nâng cao đời sống và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân làng Phong là điều mà chính quyền, đoàn thể xã Ia Kriêng băn khoăn, trăn trở. Để làm được điều nay, chính quyền địa phương thực hiện phương châm "điện, đường" phải đi trước một bước, nhưng đây là bài toán quá khó so với tiềm lực kinh tế địa phương. Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện của năm tỉnh Tây Nguyên của Chính phủ được triển khai thực hiện, trong đó làng Phong là một trong 331 thôn, làng ở Gia Lai được thụ hưởng đầu tư của dự án. Riêng làng Phong chỉ có 28 hộ nhưng để cấp điện phải xây dựng gần 2 km đường dây trung áp, 0,84km đường dây hạ áp, một trạm biến áp 25 kVA. Biết được sự khát khao có điện của 28 hộ dân nơi đây, chỉ trong một thời gian ngắn công trình đã thi công xong, đưa vào sử dụng.

Đã hai năm trôi qua, trở lại làng Phong hôm nay, trước mắt chúng tôi là sự đổi thay lớn cả về đời sống vật chất và tinh thần người dân, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của việc đưa điện về phục vụ đời sống nhân dân. Thôn trưởng Romanh Kem phấn khởi nói với chúng tôi: từ ngày nhân dân làng mình có cái điện thắp sáng để phục vụ sinh hoạt và đời sống, mọi thứ đã đổi thay, cái đói, cái nghèo từng bước được đẩy lùi. Hiện nay trong làng nhà nào cũng có tivi, có nhà có máy bơm nước. Điều mà già làng thích nhất là từ lúc có "cái điện" buổi tối từ người già đến trẻ con quây quần xem tivi, nói cười rôm rả, bà con đã biết học hỏi cách làm ăn. Trẻ con học bài dưới ánh điện, thay vì chiếc đèn dầu tù mù trước đây, hiện nay trẻ em đủ tuổi đến lớp đều đi học đầy đủ. Thầy giáo Kpuih Blin dạy các em ở làng Phong từ năm 1996 tâm sự: Lúc chưa có điện, mỗi buổi sáng tôi phải đi sớm hơn một giờ để quay nước hoặc vào suối lấy nước về làm vệ sinh cho các em trước khi vào lớp học. Từ lúc có điện, lại được ngành điện tặng cho làng cái máy bơm nước, giờ chỉ cần đi trước và phút đóng cầu dao là có được nước sinh hoạt cho các em, tạo điều kiện để tôi được yên tâm dạy học.

Với người dân làng Phong, xã Ia Kriêng, những ngày sống khó khăn, thiếu thốn, "biệt lập" đã dần lui vào dĩ vãng, các thế hệ con cháu của làng đã khỏe mạnh. Ông Siu Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng cho biết: Làng Phong hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, con đường vào làng hôm nay trải dài một màu xanh của cây trái.

Rời Gia Lai, chúng tôi đến với đồng bào vùng cao tỉnh Đắc Lắc đây là địa phương có số thôn, buôn được cấp điện nhiều nhất trong số năm tỉnh tham gia chương trình. Theo chỉ dẫn của anh Nguyễn Ngọc Tùng, Tổ trưởng quản lý dịch vụ Điện lực Cư M'gar chúng tôi tìm đến nhà cụ Hrăng Niê, buôn Ea M'droh, xã Ea M'dron, huyện Cư M'gar cách trung tâm huyện khoảng 22 km. Khi được hỏi về cuộc sống của bà con trong bản bây giờ cụ cho biết: Đúng là Đảng, Nhà nước đã cho đồng bào nhiều thứ, nhà cửa, đường sá, bà con mừng lắm, nhất là kể từ khi có cái điện về làng, nhiều nhà đã sắm được máy xay xát, máy bơm nước, tivi, xe máy ... chia tay buôn Ea M'droh, chúng tôi ghé thăm xã Quảng Hiệp. Trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế Ngô Minh Đức cho biết, hiệu quả từ chương trình cấp điện, các thôn được phát huy ngay sau khi công trình đưa vào sử dụng, cả xã có 10/12 thôn được hưởng lợi từ dự án này. Năm 2010, kinh tế - xã hội của xã đã có những bước phát triển rõ rệt , toàn xã có 122 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ, sửa chữa, mộc và cơ khí. Tình hình an ninh, chính trị, trật tư, an toàn xã hội được đảm bảo, các chỉ tiêu thu chi ngân sách đạt và vượt so với kế hoạch huyện giao. Kế từ ngày có điện, các hộ dân đã đầu tư mua sắm máy bơm nước phục vụ tưới tiêu, chủ động được nguồn nước tưới nên bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xen canh thêm ngô trái vụ, đậu cô ve, dưa leo ...

Đến với thôn 6, xã Quảng Khê, huyện Đác G'long (Đác Nông), có điện không khí thôn, xóm nhộn nhịp hắn. Bà Phạm Thị Loan, người trong thôn cho biết: Gia đình bà cùng với 149 hộ dân khác trong thôn 6 cũng đã có điện lưới quốc gia để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ở thôn 5 - Sình Môn, xã Đác Ha nơi sinh sống của 112 hộ người đồng bào dân tộc Mông, là cái Tết thứ hai mọi người được xem bắn pháo hoa và nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua sóng truyền hình. Ông Sùng A Sấy, trưởng thôn cho biết: Có điện, cuộc sống của bà con trong thôn từ đây đã được cải thiện. Trẻ nhỏ đã có ánh sáng để học bài, người lớn được xem tivi, nghe đài và mua sắm các thiết bị sử dụng điện cho gia đình. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết: Dự án cấp điện 852 thôn, buôn tại bốn tỉnh Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư 1120 tỷ đồng, ngành Điện đã hoàn thành đúng tiến độ, cấp điện cho gần 70 nghìn hộ dồng bào. Với dự án này, EVNCPC đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao, thực thi chính sách ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống đồng bào thiểu số các tỉnh Tây Nguyên. Trên địa bàn EVNCPC quản lý cung ứng điện hiện đã có 99,36% số xã, 96,27% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, cao hơn mức bình quân của cả nước và vượt 6,27% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đề ra.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực