Phải chủ động, đồng bộ trong phòng chống thiên tai

Chủ nhật, 17/05/2020 15:46
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2020. Hội nghị trực tuyến diễn ra chiều 15/5, kết nối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 689 huyện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực; Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài - Phó trưởng ban và các thành viên Ban chỉ đạo; Đại diện một số Bộ, Ban, ngành, cơ quan thuộc Trung ương; Một số nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế.

 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN (EVN) tham dự Hội nghị.

Thiên tai đang diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và tiêu cực. Bão, lũ, dông lốc, hạn hán, xâm ngập mặn,... xảy ra khắp cả năm, từ đồng bằng đến miền núi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương phải chủ động, đồng bộ trong ứng phó với thiên tai, từ đó mới giảm thiểu được thiệt hại.

Nhấn mạnh công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vừa trước mắt, vừa lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, các địa phương khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; Đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ; Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai các cấp.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời, nhất là tinh thần 4 tại chỗ. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, trong đó cần nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo và phòng chống thiên tai các cấp. Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, tránh tư tưởng chủ quan, đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân khi thiên tai xảy ra.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT

phát biểu tại Hội nghị 

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, ngành Công Thương với nhiều ngành, lĩnh vực chủ chốt (điện lực, than - khoáng sản, dầu khí, hóa chất, thép, thương mại,...) được đánh giá là ngành chịu tác động rất lớn của thiên tai. Xác định rõ nguy cơ này, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ trong công tác PCTT nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.

Trong đó, với các hồ, đập thủy điện, hiện trên cả nước có trên 400 hồ thủy điện lớn, nhỏ. Để đảm bảo an toàn phát điện, an toàn hồ đập, bảo vệ hạ du trước, trong và sau mùa mưa lũ, hàng năm, Bộ Công Thương đều tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ hồ, đập đảm bảo công tác an toàn, đặc biệt là việc chấp hành Quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ.

Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn đối với các công trường khai thác than, khoáng sản; các công trình khai thác dầu khí trên biển và trên đất liền; đảm bảo an toàn cấp điện; đảm bảo an toàn các bến, kho bãi… được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc cả trong và sau mùa mưa lũ.

“Do đó, thiệt hại do thiên tai trong thời gian qua, nhất là năm 2019, trong ngành Công Thương không quá lớn, đặc biệt là không có thiệt hại về người” – Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết.


Nhận định tình hình thiên tai trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, các Bộ, ngành, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những phân tích tổng thể để ngành Công Thương có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngoài công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai đến tận cơ sở thì cũng cần tăng cường công tác áp chế thực hiện các quy định này, nhất là đối với các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2019 thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai. Thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm thiểu tối đa, tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng.

Ngành Điện đã phối hợp chặt chẽ trong quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện để đảm bảo an toàn đập, an toàn hạ du. Trong ảnh NMTĐ Tuyên Quang
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường. Trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng tại các tỉnh phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến hết tháng 04/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1-2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức báo động 3. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực