Chủ trương phát triển điện gió đang khẳng định rõ hiệu quả trên thực tiễn (Ảnh: QM)
Những năm gần đây, Ninh Thuận đang trở thành một trong những địa phương đi đầu về phát triển điện gió. Tính đến hết năm 2018, đã có 12 dự án điện gió ở tỉnh Ninh Thuận được phê duyệt, trong đó 4 dự án đã triển khai. Những con số này chính là kết quả quá trình thu hút đầu tư với nhiều chính sách “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận. Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2015 - 2020 tầm nhìn 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tỉnh sẽ phát triển các dự án điện gió, với tổng công suất 1.429 MW. Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo khung quy định của Chính phủ. Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỉnh Ninh Thuận là khu vực có tiềm năng phát triển điện gió lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng với khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam và Ninh Phước, lượng gió tốc độ trung bình từ 6,4-9,6 m/s, đảm bảo turbin gió hoạt động phát điện ổn định. Hướng vào khai thác những tiềm năng, lợi thế này, tỉnh Ninh Thuận đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư điện gió. Nổi bật có thể kể đến một số ưu đãi cụ thể như: Chủ đầu tư dự án được miễn tiền thuê đất, được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt quá trình thực hiện dự án; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng thời, được miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu...
Trao đổi với báo chí, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngày 31/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023. Như vậy, với hàng loạt những tiềm năng lớn, cùng với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù của Chính phủ, Ninh Thuận đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để sớm trở thành trung tâm điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung của cả nước. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đó là luôn ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ hiện đại và có quyết tâm cao nhất thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp với các nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Các dự án điện gió, điện mặt trời sau khi đi vào hoạt động thương mại sẽ đóng góp rất lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Có mặt tại dự án Điện gió Đầm Nại (công suất 40 MW) thuộc địa bàn 2 huyện: Ninh Hải và Thuận Bắc do Công ty cổ phần Điện gió Đầm Nại làm chủ đầu tư, chúng tôi cảm nhận rõ hiệu quả phát triển điện gió tại đây. Với 03 turbin đã đưa vào hoạt động, tổng công suất hiện nay của dự án là hơn 6 MW. Dự kiến, toàn bộ dự án sẽ sớm được hoàn thành trong thời gian tới. Không lâu nữa, những turbin khổng lồ này sẽ biến gió thành điện với hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu mọi tác động tiêu cực đến môi trường.
Còn tại dự án Điện gió Trung Nam, tính riêng trong giai đoạn 1, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam đã đầu tư gần 9.000 tỷ đồng triển khai kết hợp giữa điện gió và điện mặt trời tại xã Bắc Phong, Lợi Hải, huyện Thuận Bắc. Theo kế hoạch, tháng 6/2019, công trình sẽ hoàn thành, với 40 trụ điện gió và 700.000 tấm pin năng lượng mặt trời… Đến nay, đây là dự án năng lượng tái tạo kết hợp gió và mặt trời với tổng công suất 309,75 MW, lớn nhất và lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Cùng với dự án Điện gió Trung Nam và Điện gió Đầm Nại, các dự án điện gió khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng đang được thực hiện khẩn trương để đưa gió thành nguồn năng lượng mới, phát điện trong thời gian gần nhất. Đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 15 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương khảo sát, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật. Trong đó, 12 dự án đã được phê duyệt đầu tư với tổng công suất 744,75 MW.
Thực tế cho thấy, việc thu hút đầu tư, phát triển các dự án điện gió là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, vừa giúp khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có vừa góp phần bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững./.