Do địa hình đồi núi, dân cư thưa thớt, nên suất đầu tư đưa điện về vùng sâu,
vùng xa ở các thôn, bản Lạng Sơn khá cao.
Suất đầu tư lớn
Xã Công Sơn (huyện Cao Lộc) là một xã nằm trong khu vực biên giới Việt - Trung, độ cao khoảng 700-800 m so với mực nước biển. Ở đây, do địa hình dốc, chủ yếu là đồi núi, nên dân cư sinh sống không tập trung. Có những khu vực mỗi gia đình ở một quả đồi, các nhà cách nhau hàng km.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà đến năm 2017, dù điện lưới đã được kéo về 100% thôn trên địa bàn xã, nhưng hiện vẫn còn khoảng 36 hộ (chiếm 12% số hộ dân toàn xã) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Ông Triệu Trần Lìu - Chủ tịch UBND xã Công Sơn chia sẻ, 36 hộ dân chưa có điện đều là những hộ dân sinh sống không tập trung và ở xa trung tâm thôn, trung tâm xã và cách xa trạm biến áp từ 4-6 km. Việc kéo điện lưới đến các hộ dân này cần chi phí đầu tư rất lớn, nên hiện nay vẫn chưa có nguồn vốn để ngành Điện triển khai.
“Ở những khu vực đã có điện, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã có sự thay đổi rất tích cực. Do đó, chúng tôi rất mong nhà nước, ngành Điện tiếp tục bố trí vốn để cấp điện cho các hộ dân còn lại trên địa bàn”, ông Lìu chia sẻ.
Theo ông Phạm Ngọc Minh - Phó giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn (PC Lạng Sơn), do đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, nên suất đầu tư của các hộ dân được hưởng lợi trong Chương trình 2018 cấp điện nông thôn miền núi hải đảo giai đoạn 2013-2020 (Chương trình 2081) trên địa bàn tỉnh tương đối lớn; trung bình khoảng 86 triệu/hộ dân. Riêng với những hộ dân sống rải rác, cách xa trung tâm, suất đầu tư còn cao hơn nhiều.
Đó là chưa kể, do các xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, nên quá trình triển khai các công trình điện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có khu vực, đơn vị thi công phải mở hẳn một con đường, mới vận chuyển được vật tư, thiết bị vào vị trí thi công…
Chờ vốn…
Thực hiện Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình 2081, Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 – 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt vào tháng 10/2015.
Dự án có quy mô cấp điện cho 55 xã, 210 thôn với hơn 9.000 hộ dân được hưởng lợi (trong đó hơn 4.300 hộ dân được cấp điện mới và hơn 4.700 hộ dân được cải tạo lưới điện). Tổng mức đầu tư của dự án gần 650 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 544,8 tỷ đồng và vốn đối ứng của ngành Điện là 96,1 tỷ đồng.
Năm 2016, Chính phủ đã có quyết định giao 60 tỷ đồng cho PC Lạng Sơn triển khai dự án. Do số vốn được giao tương đối thấp so với tổng nhu cầu, nên PC Lạng Sơn đã báo cáo UBND tỉnh để lựa chọn những thôn/bản nhằm đảm bảo việc đầu tư cấp điện mang lại hiệu quả cao nhất.
Với 60 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cùng khoảng 12 tỷ đồng vốn đối ứng của ngành Điện, trong năm 2016 và 2017, PC Lạng Sơn đã đưa điện lưới về 23 thôn thuộc 6 xã ở các huyện Tràng Định, Cao Lộc, Bắc Sơn, Lộc Bình, Văn Lãng, với gần 900 hộ dân được hưởng lợi; trong đó 726 hộ dân được cấp điện mới và 173 hộ dân được cải tạo lưới điện.
Theo quyết định số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương giai đoạn 2016 – 2020 của dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 - 2020 là 60 tỷ đồng. Chính vì vậy, hiện Dự án đưa điện về nông thôn thuộc Chương trình 2081 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang phải tạm dừng chờ nguồn vốn bổ sung, do đã thực hiện xong nguồn ngân sách được giao.
Ông Phạm Ngọc Minh chia sẻ, sự thay đổi tích cực về đời sống, kinh tế, xã hội ở những khu vực hưởng lợi từ Chương trình 2081 đã cho thấy chủ trương của Chính phủ là rất đúng và rất trúng. Do vậy, PC Lạng Sơn mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm, sớm bố trí số vốn ngân sách còn thiếu cho dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 – 2020 để Công ty tiếp tục hành trình “xóa trắng điện” cho những thôn, bản, những hộ gia đình vùng sâu, vùng xa, biên giới...