Tái định cư các dự án thủy điện: Sức sống mới ở làng tái định cư Pa Păng

Thứ bảy, 12/12/2015 11:27

Những ngôi nhà khang trang ở khu tái định cư thôn 2 xã Tà Pơ huyện Nam Giang (Quảng Nam).
Ảnh : Báo ND

Thủy điện Sông Bung 4 nằm trong thủy điện bậc thang của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, thuộc địa phận xã Tà Pơ và xã ZuôiH, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, có công suất lắp máy 156 MW đã chính thức hoạt động từ cuối năm 2014, sản lượng điện bình quân hàng năm hòa vào lưới điện quốc gia của nhà máy này đạt 568 triệu KWh. 

 

Để đảm bảo cho nhà máy hoạt động, 253 hộ gia đình với gần 1.100 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Cơ Tu ở hai xã Tà Pơ và xã ZuôiH bị ảnh hưởng, trong đó có 232 hộ với gần 1000 nhân khẩu phải tái định cư. Sau nhiều nỗ lực của chủ dự án, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án, toàn bộ số hộ thuộc diện tái định cư đã có chỗ ở ổn định tại 4 khu tái định cư gồm: Pa Păng, Pa Rum A, Pa Rum B và Pa Đhi. 

Trong ngôi nhà khang trang tại khu tái định cư Pa Păng, nơi có đầy đủ hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch sinh hoạt tự chảy, chị Bnước Chiêng phấn khởi chia sẻ: Cuộc sống của đồng bào từ ngày về đây đã khá hơn nhiều so với nơi ở cũ. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, bà con được hỗ trợ cây, con giống, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên cây lúa và các loại cây hoa màu khác đều cho năng suất khá cao. Tuy nhiên, do phong tục canh tác của nhiều hộ gia đình còn lạc hậu, sau vài mùa rẫy là đất bạc màu nên nhiều hộ vẫn còn thiếu đất để sản xuất. Vì vậy mong muốn của đồng bào là được hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật canh tác và chăn nuôi, nhất là kỹ thuật canh tác lúa nước để tiến tới xóa bỏ canh tác lúa rẫy, vừa cho năng suất thấp, vừa làm đất nhanh bạc màu. Đặc biệt, nếu đồng bào được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua con giống hoặc được Nhà nước hỗ trợ con giống thì đồng bào sẽ tập trung phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình. 

Thăm nhà anh Bnước Bơn, ngôi nhà khang trang, bề thế, trong nhà có đầy đủ các phương tiện sinh hoạt như xe máy, thiết bị nghe nhìn, tủ lạnh. Anh Bnước Bơn phấn khởi cho biết: Khu tái định cư Pa Păng có tổng cộng 53 hộ gia đình đồng bào dân tộc Cơ Tu về nơi ở mới này, được sự hỗ trợ của Nhà máy thủy điện và của Nhà nước nên đời sống của bà con đã thật sự ổn định hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt, khu tái định cư mới này có trường học và trạm y tế xây dựng khang trang nên con em đồng bào nơi đây đi học rất thuận tiện, người trong làng ốm đau đều được chữa trị kịp thời. 

Phó Giám đốc phụ trách Công ty thủy điện Sông Bung Nguyễn Sơn cho biết: Thủy điện Sông Bung được xây dựng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) theo Hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam với ADB và vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vì vậy, ngay sau khi dự án được triển khai, vấn đề tái định cư cho đồng bào trong vùng ảnh hưởng của dự án cũng như tạo sinh kế bền vững cho đồng bào đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Để có chỗ ở ổn định cho các hộ dân bị ảnh hưởng ở hai xã Tà Pơ và xã ZuôiH, 4 khu tái định cư trong vùng đã được xây dựng với tổng vốn đầu tư lên đến 1.225 tỷ đồng. Nguồn vốn này được đầu tư tập trung vào các hạng mục chính như: Xây dựng hệ thống đường giao thông nội vùng, công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, khu công trình công cộng gồm: Trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, nhà ở cho giáo viên, trạm y tế và nhà ở cho cán bộ y tế, hệ thống cấp nước sinh hoạt, cải tạo ruộng lúa nước và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất của đồng bào trong khu tái định cư... 

Phát huy vai trò của người dân, nhất là của già làng, trưởng bản, người có uy tín, trong quá trình thi công xây dựng các công trình đều có sự tham gia giám sát của người dân, đồng thời tạo việc làm tại chỗ cho đồng bào. Khi đưa vào sử dụng, các khu tái định cư đều thành lập các Tổ tự quản để quản lý các công trình này. Đặc biệt, trong việc xây dựng khu tái định cư, sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân luôn được chú trọng. Theo đó, từ việc quy hoạch đến triển khai xây dựng khu tái định cư đều có sự tham vấn của người dân. Nhờ vậy, đến nay các khu tái định cư tại hai xã Tà Pơ và xã ZuôiH đều đáp ứng được các tiêu chí như gần gũi với môi trường tự nhiên, phù hợp với phong tục tập quán và văn hóa truyền thống của đồng bào. Rút kinh nghiệm từ các khu tái định cư khác nên chủ đầu tư đã cấp tiền để người dân tự lựa chọn kiểu nhà, chủ động xây dựng, quản lý và giám sát quá trình thi công nhà ở của mình, nhờ vậy chất lượng nhà ở tại các khu tái định cư được bảo đảm.. 

Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: Thủy điện Sông Bung 4 có lưu vực hồ chứa lớn nhất trên địa bàn huyện Nam Giang. Đến thời điểm này, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như công tác giao đất, giao rừng cho đồng bào thuộc diện tái định cư đã được chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là về nơi ở mới, người dân phải có cuộc sống tốt hơn so với nơi ở cũ. Có thể nói việc xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Nam Giang tuy vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần sớm khắc phục, nhưng đây là những khu tái định cư thủy điện tốt nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. 

Bên cạnh những thành công nhất định trong công tác tái định cư, “hậu thủy điện” vẫn còn nhiều bất cập cần được giải quyết một cách kịp thời, trong đó các vấn đề về đất sản xuất, sinh kế của người dân là những yếu tố quan trọng nhất. Theo đó, trong quy hoạch, bình quân mỗi hộ gia đình được cấp từ 1,5 - 1,8 ha đất canh tác, nhưng do trình độ canh tác của đồng bào vẫn còn lạc hậu dẫn đến đất đai bị bào mòn, suy kiệt chất dinh dưỡng, dẫn đến thiếu đất sản xuất. Ngoài ra, việc bố trí nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư thủy điện là vượt khả năng của địa phương. Vấn đề quan trọng nữa cũng cần được quan tâm đúng mức là nguồn kinh phí để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cũng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho bà con để thay đổi tập quán canh tác. Giải quyết được những vấn đề này thì cuộc sống nơi tái định cư của các hộ gia đình vùng bị ảnh hưởng của thủy điện mới thật sự ổn định và bền vững, ông A Lăng Mai nhấn mạnh./.

TTXVN

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực